Chiều 3-11, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Sở Nông nghiệp - PTNT.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, từ năm 2014 đến tháng 6-2016, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1.630 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có có 1.537 vụ đã bị xử lý, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,7 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: vận chuyển, mua bán, cất giữ trái phép lâm sản; khai thác, phá rừng (chiếm 81% tổng số vụ vi phạm); kinh doanh vật tư nông nghiệp không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; hàng hóa có chất lượng thực tế không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố; cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định...
Nhìn chung, việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các đơn vị trực thuộc Sở luôn đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, đúng mức tiền phạt. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định số 166/2013-NĐ-CP của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn do số tiền xử phạt vi phạm hành chính quá cao, các đối tượng vi phạm không có tài sản có giá trị tương đương với số tiền phạt để thực hiện việc cưỡng chế. Sở Nông nghiệp - PTNT đã kiến nghị tỉnh bổ sung kinh phí, trang thiết bị để thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính; đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường phối hợp để xử lý nghiêm tình trạng chống người thi hành công vụ...
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã cùng thảo luận một số vấn đề về kết quả xử lý các vi phạm trong vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật quý hiếm; kết quả xử lý vi phạm các hoạt động liên qua đến nuôi trồng thủy sản, kinh doanh vật tư, phân bón giả hoặc kém chất lượng; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm... Đối với các kiến nghị của ngành Nông nghiệp và PTNT, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng và trình lên kỳ họp HĐND sắp tới.