10 sự kiện, thành tựu nổi bật của tỉnh năm 2016

07:30, 31/12/2016

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Báo Thái Nguyên bình chọn và giới thiệu 10 sự kiện, thành tựu nổi bật của tỉnh trong năm qua.

1- Chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, đề án quan trọng, định hướng cho cả nhiệm kỳ 2015-2020

 

 

Với quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp điều hành, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX đã xây dựng, cho ý kiến và quyết định nhiều chủ trương quan trọng, trong đó tiêu biểu là 8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm có vai trò định hướng cho cả nhiệm kỳ 2015-2020. Kết quả các phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được cụ thể hóa bằng các kết luận, nghị quyết bám sát với tình hình thực tiễn để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật là việc chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; triển khai các dự án lớn; Nghị quyết về xây dựng T.P Sông Công trở thành đô thị loại II vào năm 2020; Nghị quyết về xây dựng và phát triển T.X Phổ Yên đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020… Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là tiền đề quan trọng để cả hệ thống chính trị cùng chung tay xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

 

2. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

 

Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại khu vực bầu cử số 4, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên (ngày 22-5-2016).

 

Năm 2016, tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6%. Tỉnh đã kiện toàn các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm các tiêu chí về cơ cấu, trình độ, năng lực điều hành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả bằng những quyết định đúng pháp luật, sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của địa phương.

 

3. Khởi động nhiều dự án đầu tư lớn

 

Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Quy hoạch, tỉnh đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Khu du lịch hồ Núi Cốc gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Cũng trong năm 2016, tỉnh đã khởi công các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông - T.P Thái Nguyên, Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên Indevco; thu hút nhiều dự án đầu tư lớn (như Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Vincom, Dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị của tỉnh Thái Nguyên và vùng lân cận); duy trì và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (hiện nay có 110 dự án với tổng vốn đăng ký 7,5 tỷ USD, đã giải ngân 5 tỷ USD)…

 

4. Thái Nguyên duy trì là cực tăng trưởng mạnh của cả nước

 

Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 477 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2015. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử phụ trợ cho Tập đoàn Samsung tại Công ty TNHH Bokwang Vina ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình).

 

Với nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác điều hành của UBND tỉnh, năm 2016, Thái Nguyên tiếp tục duy trì là cực tăng trưởng mạnh của cả nước, với mức tăng trưởng kinh tế đạt 15,2% (vượt 3,2% kế hoạch), đứng thứ 2 trong các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 4 trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội; đứng thứ 3 cả nước về giá trị xuất khẩu (ước đạt trên 19 tỷ USD); tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 52 triệu đồng/năm (tăng hơn 6,6 triệu đồng so với năm 2015); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 477 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2015...

 

5. Thu ngân sách đạt 8.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch 2.000 tỷ đồng

 

Năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp Thái Nguyên vượt thu ngân sách cao. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, song toàn tỉnh đã nỗ lực thu ngân sách Nhà nước đạt 8.500 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tỉnh ta quyết tâm phấn đấu thu bù chi và có kết dư về ngân sách Trung ương trước năm 2020.

 

6. Vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI

 

Theo kết quả công bố năm 2016, Thái Nguyên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trên cả nước được đánh giá là có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015, đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vượt 1 bậc so với năm 2014. Trong khu vực miền núi phía Bắc, Thái Nguyên xếp thứ 2 sau tỉnh Lào Cai. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh ta là một trong những địa phương có chỉ số tăng hạng nhanh nhất từ trước đến nay. Về chỉ số cải cách hành chính năm 2015 (Par Index), Thái Nguyên cũng đứng thứ 22 trong 64 tỉnh, thành phố, vượt 20 bậc so với năm 2014.

 

7. Đăng cai tổ chức thành công sự kiện khoa học - công nghệ “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2016"

 

Ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2016”.

 

Tháng 11-2016, Bộ Khoa học - Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức sự kiện khoa học - công nghệ “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2016”. Thành công của sự kiện để lại nhiều ấn tượng cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Thông qua sự kiện đã có 8 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá trên 56 tỷ đồng, qua đó thúc đẩy chuyển giao khoa học - công nghệ trên mọi mặt, đưa khoa học - công nghệ trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, khu vực trung du miền núi phía Bắc nói riêng.

 

8. Khởi động Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia

 

Ngày 19-8-2016, tại xóm Tân Sơn, xã Vân Lăng (Đồng Hỷ), Công ty Điện lực Thái Nguyên

tổ chức khởi động Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn.

 

Năm 2016, tỉnh đã khởi động Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn. Đây là dự án an sinh xã hội nổi bật nhất, là kết quả hợp tác, chia sẻ khó khăn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc với tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, hạ tầng lưới điện cho 76 xóm, bản chưa được đầu tư điện lưới quốc gia đã chính thức được khởi động với tổng kinh phí trên 207 tỷ đồng, trong đó tập trung ưu tiên cho 35 xóm, bản thuộc các xã vùng cao ở 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ hoàn toàn chưa có điện lưới quốc gia. Dự án này tạo động lực cho các chương trình về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợicác mục tiêuđã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

 

9. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm

 

Bệnh viện A Thái Nguyên đón 3 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (ngày 4-12-2016).

 

Năm 2016, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm và có bước phát triển rõ rệt, đặc biệt là có sự tham gia đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Từ những nguồn lực đầu tư này, trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phục vụ nhu cầu thiết thực của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tuần văn hóa Malaysia - Indonesia - Việt Nam được tổ chức tại tỉnh ta đã góp phần giới thiệu, quảng bá về phong tục, văn hóa, từ đó mở rộng giao lưu, chia sẻ, đoàn kết, kích thích sự sáng tạo, hợp tác và phát triển bền vững của cộng đồng khối các nước ASEAN, đồng thời là cơ hội để quảng bá, đưa hình ảnh của Thái Nguyên đến với bạn bè quốc tế.

 

10. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội ổn định

 

Huyện Phú Lương tổ chức Lễ giao nhận tân binh lên đường nhập ngũ năm 2016.

 

Năm 2016, cả 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức lễ giao nhận quân 1 đợt theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, bảo đảm đủ chỉ tiêu với 1.800 tân binh lên đường nhập ngũ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, có nhiều chuyển biến tích cực; tỉnh đã tổ chức thành công cuộc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên là chủ trương đúng đắn, được thực hiện kịp thời nhằm giải quyết tình trạng quá tải giao thông trên địa bàn...