Nhân dịp tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2017); kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2016, phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2017, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh những nội dung này.
P.V: Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng chí có thể giới thiệu đôi nét về dấu mốc quan trọng này?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: 20 năm sau ngày tái lập tỉnh là một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự phát triển toàn diện của hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn. Như chúng ta đã biết, hai tỉnh gắn bó dưới “mái nhà chung” Bắc Thái đúng 31 năm cho đến khi được tái lập năm 1997. Trước khi tách tỉnh, diện tích tự nhiên của Bắc Thái rộng hơn 8.000km2, địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông còn thấp kém, gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, điều hành cũng như quản lý hành chính. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là khu vực các huyện phía Bắc còn hạn hẹp, hạn chế khai thác được những tiềm năng, lợi thế. Trong lịch sử, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã được hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh từ rất sớm (tỉnh Thái Nguyên thành lập năm 1831, tỉnh Bắc Kạn thành lập năm 1900).
Trên cơ sở nguyện vọng và đề xuất của đông đảo nhân dân cùng các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Bắc Thái, căn cứ Tờ trình của Chính phủ, ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Theo đó, từ ngày 1-1-1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được tái lập, mở ra chặng đường phát triển mới cho mỗi địa phương.
P.V: Hai thập kỷ qua, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển khá rõ nét. Đồng chí có thể nêu một số thành tựu tiêu biểu cũng như những dấu mốc phát triển quan trọng của tỉnh từ năm 1997 đến nay?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể thấy một số thành tựu nổi bật mà tỉnh Thái Nguyên đạt được trong 20 năm qua như sau:
Một là: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn toàn xã hội được giữ vững và bảo đảm.
Hai là: Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và ngày một hoàn thiện, nhiều công trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác. Trong số đó phải kể đến các khu công nghiệp tập trung như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công; các cụm công nghiệp và hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3, đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn)…
Ba là: Công tác chỉnh trang đô thị được tăng cường, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm. Tỉnh Thái Nguyên đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch thuộc Vùng Thủ đô Hà Hội. Năm 2010, T.P Thái Nguyên được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Năm 2015, thị xã Sông Công được nâng cấp lên thành phố, huyện Phổ Yên được nâng cấp lên thị xã.
Bốn là: KT-XH có sự tăng trưởng vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm vị trí trong tốp các tỉnh có chỉ số tăng cao. Năm 2016, chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt trên 15%, là tỉnh thứ 2 trong cả nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc loại cao. Thu ngân sách Nhà nước tăng từ hơn 600 tỷ đồng năm 1997 lên trên 8.500 tỷ đồng (tăng gấp trên 14 lần); giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 4 trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, đứng thứ 3 cả nước…
Năm là: Hạ tầng du lịch được củng cố và phát huy, các điểm di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư nâng cấp, xếp hạng. Di tích ATK Định Hóa đã được Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Ngày 18-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sáu là: Công tác thu hút đầu tư đã có sự chuyển đổi về chất. Từ chỗ phát triển công nghiệp truyền thống, sản xuất nhỏ, dựa vào tài nguyên, sức cạnh tranh thấp, thời gian gần đây tỉnh ta đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước đăng ký triển khai các dự án trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã thu hút trên 100 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn hàng tỷ USD. Trong số các nhà đầu tư vào tỉnh, đáng chú ý là Tập đoàn Samsung và các đơn vị sản xuất phụ trợ, Công ty cổ phần ALK VINA, Tập đoàn Phúc Lộc, Tập đoàn Vingroup, Công ty Xây dựng Xuân Trường, Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO...
P.V: Để có được những thành tựu trên, đòi hỏi các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh phải chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua. Đồng chí có thể cho biết những nét nổi bật nhất trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh những năm qua, đặc biệt là năm 2016?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Chúng ta đều biết, công tác thi đua - khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người nhấn mạnh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất". Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã đoàn kết một lòng, đem sức mình tham gia kháng chiến, kiến quốc và xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài gần 40km, rộng 12m đang được khẩn trương hoàn thiện với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và thông xe trong tháng 1-2017.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020). Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 5-8-2016 về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 21-9-2016 về việc tổ chức hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 14-11-2016 của UBND tỉnh về công tác thi đua - khen thưởng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, phong trào thi đua yêu nước đã được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực, nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực được triển khai thực hiện, như: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Thực hiện cải cách hành chính”, phong trào “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, đặc biệt là đợt thi đua "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021"; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thu, nộp và quản lý ngân sách”, “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Có thể nói, những thành tựu KT-XH đã được đề cập ở trên có phần đóng góp quan trọng từ các phong trào thi đua yêu nước.
P.V: Trên cơ sở kết quả đạt được, những định hướng lớn trong phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn tới là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn. Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đó, trong năm 2016, UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh 8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm có vai trò định hướng cho cả nhiệm kỳ.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương về phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng; thực hiện tổng thể các chương trình, dự án phát triển KT-XH, phát triển ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2016-2020.
Huy động tổng hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực thỏa đáng cho các công trình, dự án lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực trong phát triển KT-XH, như: Dự án xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông, T.P Thái Nguyên; Dự án nông nghiệp công nghệ cao…
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương trong thực hành công vụ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đạo đức công vụ; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính vào triển khai các dự án đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Tập trung quản lý Nhà nước và có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung ký kết hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ giữa UBND tỉnh với Đại học Thái Nguyên. Thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa.
Tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đặc biệt là những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư. Từ đó tranh thủ các nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh. Tiếp tục tăng cường bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!