Đó là một trong những ý kiến mà đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh và một số DN đưa ra tại Hội nghị triển khai Đề án “Tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Đề án 3013) của UBND tỉnh mà Cục Thuế tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức chiều 14-12.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã thông tin khái quát kết quả thu ngân sách mà ngành Thuế thực hiện trong năm 2016, trong đó đề cập: Trong tổng thu ước thực hiện cả năm là 6.600 tỷ đồng có 470 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, mà chủ yếu là từ xăng, dầu. Hiện, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã cơ bản phủ kín các địa bàn, kể cả vùng sâu, vùng xa, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn hiện tượng bán xăng, dầu không xuất hóa đơn, kinh doanh mặt hàng trôi nổi; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Do đó, để tăng cường quản lý mặt hàng này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án 3013, với việc thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng, dầu nhằm xác định các chỉ số đầu kỳ, cuối kỳ để tính toán sản lượng xăng, dầu xuất bán. Theo kế hoạch, từ ngày 15-12, các đoàn liên ngành thực hiện Đề án sẽ bắt đầu tiến hành việc dán tem và thực hiện xong trước ngày 31-12-2016.
Tại Hội nghị, hơn 90 DN hiện kinh doanh xăng, dầu đều đồng tình với việc thực hiện Đề án, đại diện lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh cam kết sẽ phối hợp nghiêm túc với cơ quan chức năng để việc dán tem được tiến hành đúng quy định. Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cũng khẳng định sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Đề án một cách công khai, công bằng và tạo thuận lợi tối đa nhất cho DN.