Xây dựng hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

17:37, 29/12/2016

Ngày 29-12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Theo đó, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; gắn kết phát triển nền nông nghiệp với kết quả quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 14.705 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 7,3%. Các giải pháp để thực hiện Đề án: Rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp; tăng cường quản lý, giám sát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch. Khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công. Gắn tái cơ cấu nông nghiệp với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển dịch vụ nông nghiệp…Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án.

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Tuấn khẳng định, thực hiện Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 không chỉ riêng ngành Nông nghiệp, mà có sự phối hợp thực hiện của các sở, ngành địa phương nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao mức sống cho người dân nông thôn. Đồng thời, giao cho ngành Nông nghiệp sớm hoàn thiện Đề án, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong từng lĩnh vực trồng trọt (chè, lúa, rau), chăn nuôi, lâm nghiệp. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh của từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ; tạo sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường.