Kinh tế Thái Nguyên có gì mới?

09:27, 29/01/2017

Với sức nặng tăng trưởng từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự khởi sắc ở một số khu vực trong nước, đặc biệt là sự xuất hiện của các dự án đầu tư quy mô lớn gần đây, kinh tế Thái Nguyên năm 2017 và những năm tiếp theo hứa hẹn sẽ thay đổi cả về chất và lượng. Tư duy và định hướng phát triển kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt theo xu hướng tất yếu và thích ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. 

Du lịch lên ngôi

 

Du lịch đang được xác định là ngành kinh tế lớn của cả nước. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mới đây, phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định: Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên có Nghị quyết về phát triển du lịch đã thể hiện rõ quan điểm, đường hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng ngành kinh tế du lịch. Chính phủ sau đó đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết trên cơ sở tái cơ cấu ngành Du lịch. Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa cùng nhiều di tích, danh thắng mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Đặc biệt, Núi Cốc đã đi vào huyền thoại, thi ca, lại gắn với văn hóa trà nổi tiếng, chắc chắn sẽ có tiềm năng, điều kiện để trở thành di sản thế giới.

 

Thực tế thì Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đã và đang được khai thác, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Thời gian gần đây, tại Khu du lịch này đã diễn ra hai cuộc động thổ khởi công các dự án lớn về du lịch. Cuộc đầu tiên là động thổ đầu tư Khu du lịch tại Đền Gàn với quy mô đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng do một doanh nghiệp tên tuổi đứng ra thực hiện. Cuộc thứ hai là công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch và khởi công tuyến đường huyết mạch 9,5km nối từ trung tâm T.P Thái Nguyên đến Khu du lịch. Theo các nhà chuyên môn thì chỉ có những dự án lớn như vậy mới có thể thay đổi được diện mạo du lịch Thái Nguyên cũng như tư duy làm du lịch của chúng ta.

 

Kinh tế du lịch Thái Nguyên còn có điều kiện phát triển mạnh hơn khi Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa mới đây đã được quy hoạch nằm trong vùng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn. Khu vực này sẽ được đầu tư mạnh trong nay mai để có thể bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 

Nông nghiệp có hướng đi mới

 

Theo các chuyên gia thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Bắt nhập với xu hướng đó, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta đã hình thành nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao như: Mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) với sản lượng trên 100 tấn nấm tươi, 400 tấn nấm khô mỗi năm, xuất khẩu trên 80% sản lượng; mô hình nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tại một số địa phương trong tỉnh, trong đó đáng chú ý là nhân giống hoa lan Vũ Nữ, lan Hồ Điệp, hoa cúc các loại, hoa đồng tiền, cây dược liệu...; mô hình chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt cao sản chất lượng cao, quy mô 2.500 con, ứng dụng công nghệ quản lý đàn, dinh dưỡng của châu Âu và Isarel tại huyện Định Hóa...; mô hình trang trại nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) với quy mô 23ha, mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, là mô hình nông nghiệp sạch với phần lớn thiết bị, công nghệ trồng, chế biến, bảo quản rau xanh được nhập từ Nhật Bản, do Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đầu tư.

 

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng tốt gói kỹ thuật canh tác tiên tiến đã giúp bà con nông dân giảm chi phí trong sản xuất, giữ được cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu sự độc hại cho môi trường và con người. Đồng thời, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, trong trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của từng vùng. Cùng với đó ngành chăn nuôi cũng đã chuyển động theo hướng trang trại tập trung, sản xuất hàng hoá cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 trang trại chăn nuôi với hầu hết đã được ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

 

Coi trọng công nghiệp phụ trợ

 

Hiện nay, ngành công nghiệp của tỉnh đang phát triển với tốc độ chóng mặt, trong đó chủ yếu là khu vực công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, ngành công nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch mạnh từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử với sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung và các nhà đầu tư phụ trợ đi theo. Theo đánh giá của ngành Công Thương, tỉnh ta có lợi thế về phát triển công nghiệp phụ trợ và thực tế đã có trên 20 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, chi tiết máy và cung cấp không ít phụ kiện cho các hãng sản xuất lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử chúng ta chưa có. Chiến lược của tỉnh đối với nhà đầu tư Samsung không phải chỉ có con số tăng trưởng ấn tượng hay nguồn thu ngân sách dồi dào mà còn phải có được doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Theo các nhà phân tích thì một khi Samsung Việt Nam đã chấp nhận một linh, phụ kiện nào của doanh nghiệp nội địa sản xuất thì Samsung trên toàn cầu cũng sẽ chấp nhận và đòi hỏi một lượng hàng không nhỏ, cung cấp ổn định. Để làm được điều này, doanh nghiệp tỉnh ta cần phải có sự đầu tư chuyên sâu cả về chất lượng nhân lực, trình độ công nghệ để có thể tham gia sản xuất cùng Samsung giống như các nhà đầu tư nước ngoài khác. Mặt khác, ngoài cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp phụ trợ của Trung ương, cũng cần phải có những cơ chế riêng của địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tham gia, nhất là cơ chế về vốn, nhân lực và công nghệ.

 

Nhận thức được thực tế này, tỉnh ta đang xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó khuyến khích phụ trợ công nghệ cao để phục vụ ngành sản xuất điện tử, công nghệ thông tin. Thời gian tới, chắc chắn các đơn vị truyền thống về sản xuất linh, phụ kiện máy móc, thiết bị của tỉnh sẽ phải có những thay đổi cả về tư duy và công nghệ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

 

Như vậy, có thể thấy kinh tế Thái Nguyên năm 2017 và các năm tiếp theo sẽ có những thay đổi đáng kể về định hướng phát triển và quy mô thực hiện. Tất cả đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân mỗi năm từ 12% đến 15%.