Chiều 2-3, tại trụ sở UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đến dự có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 14 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp với trên 2 nghìn cán bộ, giáo viên, quy mô đào tạo trên 24 nghìn học sinh trong năm học 2016-2017. Từ ngày 1-7-2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành đã làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, khắc phục được bất cập trong nội dung quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Luật Giáo dục năm 2005. Theo đó, Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước đối với các trường sư phạm. Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngoài Trường Cao đẳng Sư phạm, Thái Nguyên có 13 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp phải bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở GD&ĐT sang Sở LĐ-TB&XH.
Tại Hội nghị, Sở GD&ĐT đã bàn giao cho Sở LĐ-TB&XH toàn bộ chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và 13 trường cao đẳng, trung cấp theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hiện hành. Sở GD&ĐT cũng điều chuyển 1 chỉ tiêu biên chế và toàn bộ tài liệu hồ sơ, văn bản chỉ đạo về quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở LĐ-TB&XH để thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc lưu ý 13 trường nêu trên cần tập trung ổn định hoạt động và bảo đảm chất lượng công tác tuyển sinh, đào tạo. Đối với Sở LĐ-TB&XH khi tiếp nhận cần nhanh chóng tiếp cận các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham mưu với UBND tỉnh quản lý tốt lĩnh vực này. Sở GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH để thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời tiếp tục giúp đỡ các trường ổn định hoạt động...