Chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 và công bố kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC, ngày 7-3, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: CCHC luôn là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư và phục vụ nhân dân; đòi hỏi ngày càng phải đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Xã hội, nhất là người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến CCHC.
Đồng chí Nhữ Văn Tâm đánh giá: Năm 2016 các cơ quan, địa phương đã vào cuộc trách nhiệm, tích cực đối với công tác CCHC nên thu được nhiều kết quả tạo sự chuyển biến tích cực. Việc thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại nhiều địa phương, đơn vị đã góp phần làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân; xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch… Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều hạn chế trong công tác CCHC, đặc biệt là chất lượng thực hiện cơ chế một cửa tại một số địa phương còn thấp, có nơi mang tính hình thức, bộc lộ nhiều bất cập. Việc thực hiện TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đầu tư còn khó khăn, gây bức xúc cho người dân. Tình trạng hồ sơ trễ hẹn còn khá phổ biến. Một bộ phận công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ chưa vững, ứng xử chưa đúng mực, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch… Về thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2017, đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động triển khai theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt kế hoạch CCHC năm 2017 và Đề án CCHC giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Tăng cường phối hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe công bố kết quả đánh giá, xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Đây là lần đầu tỉnh triển khai đánh giá và công bố Chỉ số này, dựa trên kết quả tự chấm điểm của các cơ quan, địa phương và phương pháp điều tra xã hội học, với 8 nội dung và 42 tiêu chí thành phần. Trong 19 sở, ban, ngành được đánh giá, Sở Công Thương có Chỉ số CCHC cao nhất với 86,28 điểm; tiếp đến là Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính; tốp cuối có Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh. Trong 9 đơn vị cấp huyện, T.P Thái Nguyên dẫn đầu với 82,72 điểm, xếp cuối là huyện Võ Nhai với 71,52 điểm. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, địa phương căn cứ vào kết quả đã công bố, có giải pháp giữ vững điểm số cao, khắc phục những chỉ số đạt thấp, qua đó nâng cao hiệu quả công tác CCHC.