Cần tuyên truyền vận động người dân ở An Khánh không tụ tập đông người trái pháp luật

22:34, 03/03/2017

Vừa qua, Báo Thái Nguyên đã liên tục có những bài viết phản ánh về những khó khăn, vướng mắc dẫn tới Dự án mở rộng bãi đổ thải phía Tây của Công ty Than Khánh Hòa kéo dài suốt từ năm 2012 đến nay khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Điều lo ngại hơn là một bộ phận người dân xã An Khánh đã có hành động đánh kẻng tập hợp đông người tạo áp lực với chính quyền, chủ đầu tư Dự án để đòi bổ sung tiền bồi thường những phần đất đã thu hồi từ năm 2008…

Phải thừa nhận rằng, người dân sống gần những điểm khai thác than, đổ thải của Công ty than Khánh Hoà hay các điểm khai thác khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh thường bị những tác động bất lợi, có thiệt thòi nhất định. Song, hành động thường xuyên đánh kẻng báo động để tập trung hàng trăm người tới khu vực đổ thải của Công ty Than Khánh Hoà ngăn cản quá trình sản xuất; hô hoán, có lời nói lăng mạ cán bộ của một số người dân xã An Khánh là không đúng.

 

Để giải quyết thấu đáo những kiến nghị của một số người dân, trong năm 2016, UBND tỉnh đã thành lập một tổ chuyên trách gồm những cán bộ có năng lực chuyên môn rà soát toàn bộ quá trình đền bù thu hồi đất tại Dự án bãi đổ thải phía Tây. Sau quá trình này, 186 hộ dân ở xã An Khánh có đất, tài sản trên đất đã được nhận thêm một khoản tiền trên 20,4 tỷ đồng chênh lệch giá đất do sự thay đổi chính sách. Đây không phải sai sót về thủ tục, bỏ thiếu tài sản của người dân khi kiểm đếm mà do quá trình đền bù thu hồi đất vướng mắc, kéo dài dẫn tới Dự án quyết toán sau ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (1-7-2014) nên giá đất tăng so với các văn bản quy định trước đó. Điều này đã gây thiệt hại cho ngân sách số tiền rất lớn vì Công ty Than Khánh Hòa vẫn do Nhà nước sở hữu vốn. Nhưng vì tiến độ Dự án, việc làm cho gần 1.000 lao động và sự ổn định của địa phương, chủ đầu tư vẫn chấp thuận chi trả số tiền này.

 

183/186 hộ dân ở xã An Khánh đã nhận đủ phần tiền bổ sung và ký cam kết không thắc mắc, không gây khó khăn, trở ngại đối với việc đổ thải của Công ty Than Khánh Hoà tại những phần đất đã hoàn tất công tác đền bù. Tuy nhiên, ngày 1-3 vừa qua, khi Công ty Than Khánh Hòa tiến hành đổ thải tại bãi đổ thải phía Tây theo chỉ đạo của UBND huyện Đại Từ thì một số người dân xã An Khánh đã đánh kẻng báo động, tập hợp đông người ngăn cản. Vì sự an toàn của người dân, Công ty Than Khánh Hoà buộc phải ngừng hoạt động. Đến ngày 2-3, Công ty Than Khánh Hoà nạo vét khu vực khe suối tại xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên), một số người dân xã An Khánh tiếp tục đánh kẻng, tập hợp hàng trăm người (phần đông là phụ nữ, người già) đến để ngăn cản. Lần này có thêm 1 người dân ở xóm Cao Sơn 3, xã Sơn Cẩm (Phú Lương).

 

Như vậy có thể thấy việc đánh kẻng báo động, tập trung đông người nhằm gây áp lực với chính quyền, chủ đầu tư Dự án của một số người dân ở xã An Khánh là không thể chấp nhận được. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiện, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: Khi người dân nhận phần tiền bổ sung trên 20,4 tỷ đồng đều không có ý kiến gì và đều ký vào cam kết không cản trở, gây khó khăn cho chủ đầu tư. Gần 50 hộ dân thông tin thiếu nước sinh hoạt đang được UBND xã phối hợp với chủ đầu tư rà soát, nếu đúng do tác động của hoạt động khai khoáng sẽ được giải quyết. Việc người dân mới đưa ra yêu cầu phải bổ sung tiền bồi thường những phần đất thu hồi từ trước năm 2008 là yêu cầu phi lý, không chấp nhận được. Còn ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm thông tin: Công ty Than Khánh Hoà đã có văn bản thông báo đến địa phương về việc nạo vét khe suối bao quanh bãi đổ thải để ngăn ngừa ngập úng, sạt lở trong mùa mưa năm nay và lãnh đạo địa phương đồng ý, cử cán bộ phối hợp. Việc 01 công dân của xã và nhiều người dân xã An Khánh tập trung ngăn cản là vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động công dân của địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật.

 

Dù nhìn nhận ở góc độ nào thì việc một số người dân ở xã An Khánh đánh kẻng báo động, tập hợp đông người để đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết các ý kiến kiến nghị là không đúng. Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ các hình thức để tổ chức, cá nhân kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vụ việc. Vì vậy, công luận đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh, của huyện Đại Từ nên vào cuộc mạng mẽ hơn nữa để chấm dứt tình trạng quá khích của một số người dân ở xã An Khánh như hiện nay.