Hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực ngành Cơ khí - Động lực

15:27, 05/03/2017

Ngày 5-3, tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo nhân lực  ngành Cơ khí - Động lực khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, ứng dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội các tổ chức khoa học, kỹ thuật Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc, các tập đoàn, tổng công ty công nghiệp, lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với mục chủ đề “Đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội” trên 30 tham luận trình bày tại Hội thảo và bài báo đăng trên các tạp chí hoa học “Cơ khí  Việt Nam” đã được chia sẻ sôi nổi tại Hội thảo. Theo đánh giá của các chuyên gia về Cơ khí - Động lực, trong số trên 70% người dân khu vực trung du, miền núi phía Bắc lao động trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, thì trên 60% vẫn lao động thủ công, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa và ứng dụng khoa học về cơ khí, động lực vào sản xuất còn hạn chế, dẫn đến năng suất, hiệu quả lao động chưa cao. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thiếu và chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển sản xuất.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đào tạo ra nhưng hiệu quả sử dụng nhân lực chưa tốt, chưa hợp lý. Các doanh nhiệp, tập đoàn công nghiệp cho rằng: Kinh nghiệm về thực tế với các cỹ sư trẻ còn thiếu; các nhà trường vẫn đào tạo nặng về lý thuyết, không cập nhật kịp với những công nghệ mới được tích hợp trong các sản phẩm cơ khí, động lực, các thiết bị tự động… Chính vì vậy, trong đào tạo cần tăng thời gian thực tế, thực hành và đào tạo lại khi xuất hiện công nghệ mới. Về phía các nhà trường, trong phần tham luận, đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế như: chậm đổi mới, chưa thực sự sát cánh cùng doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu xã hội đang cần.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được tiếp cận các kênh thông tin, đề xuất các nội dung đào tạo và nghiên cứu khoa học về nguồn nhân lực công nghiệp ô tô đến năm 2021 và một số năm tiếp theo; phản ánh tình hình, nhu cầu và dự báo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ quan, đơn vị về công tác tuyển dụng, đào tạo và nghiên cứu khoa học về nguồn nhân lực ngành Cơ khí - Động lực. Một số tham luận chuyên đề cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, đặc biệt là các đơn vị sản xuất thiết bị, phụ tùng, linh kiện ngành Cơ khí - Động lực, như: Kỹ thuật thủy khí và thiết bị hàng hải; Kỹ thuật hàng không; Công nghệ gia công áp lực; Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

Tại phiên bế mạc Hội thảo, lãnh đạo các cơ sở đào tạo đã ghi nhận những ý kiến đánh giá về sự kết nối giữa đào tạo - nghiên cứu - sử dụng nguồn nhân lực, đồng thời chủ động xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp hơn với thực tế nhu cầu xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.