Sẽ có phương án hỗ trợ khẩn cấp

11:24, 16/04/2017

Trước những lo lắng, bất an của hơn 130 hộ dân vùng sụt lún, mất nước tại thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, ngày 15-4, trực tiếp Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cùng đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã có cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở với người dân. Tại đây, tâm tư, nguyện vọng của bà con được giãi bày, trách nhiệm của chính quyền được thể hiện, tất cả cùng đi đến thống nhất cách giải quyết trên tinh thần vì cuộc sống ổn định của bà con nhân dân.

Người dân đề nghị: Di dời toàn bộ ra nơi ở mới

 

Cuộc đối thoại giữa chính quyền và nhân dân chỉ diễn ra trong một buổi sáng ngày thứ Bảy, nhưng thu về nhiều kết quả khả quan. Trực tiếp Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Văn Thủy điều hành buổi đối thoại tại trụ sở UBND xã Cây Thị và UBND thị trấn Trại Cau. Tham dự có Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, ông Phạm Văn Sĩ và đại diện các sở: Tài nguyên - Môi trường, Công Thương, Xây dựng và Ban tiếp công dân tỉnh.

 

Trong không khí dân chủ, thẳng thắn, người dân đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Bà Nguyễn Thị Khánh, Bí thư Chi bộ xóm Hòa Bình, xã Cây Thị đề nghị: Chính quyền cần có phương án khắc phục ngay những khó khăn trước mắt cho người dân. Cùng với đó, xem xét di dời toàn bộ số hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn ông Nguyễn Văn Mùi, xóm Kim Cương, xã Cây Thị không khỏi lo lắng: Đã từ lâu, không tối nào tôi ngủ ngon giấc vì sợ nhà sập. Bởi vậy, rất mong huyện bố trí ngay khu tái định cư cho chúng tôi. Ông Trần Xuân Đấu, xóm Hòa Bình thì thẳng thắn: Trước thực tế phải chờ đợi cơ quan chuyên môn xác định chủ thể gây sụt lún, mất nước, tôi đề nghị tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực sụt lún tạm dừng hoặc giảm sản lượng khai thác để tránh thiệt hại thêm nữa.

 

Không giấu nổi xúc cảm, bà Ngô Thị Hồi, xóm Kim Cương nghẹn ngào: 3 đến 4 tháng nay, gia đình tôi và một số hộ làm nông nghiệp khác trong xóm không có đủ lương thực để ăn vì hầu hết ruộng lúa bị thụt thành các hố sâu, nước sản xuất không còn để canh tác. Đề nghị huyện có phương án hỗ trợ tức thời giúp người dân bớt khó khăn. Bà Trần Thị Xuân, tổ 14, thị trấn Trại Cau cho hay, có nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh và huyện về khảo sát, hứa với dân nhưng thực hiện chưa hiệu quả, giải quyết còn chậm. Theo tôi, việc tổ chức khai thác tại công trường Tầng sâu Núi Quặng (Mỏ sắt Trại Cau) là nguyên nhân chính, nên trước mắt hãy tạm đóng cửa mỏ để cân bằng mặt nước, chờ di dời xong các hộ dân hãy cho tiếp tục. Bí thư chi bộ tổ 12, ông Hoàng Minh Dũng và Bí thư chi bộ tổ 14 (thị trấn Trại Cau), ông Đặng Quốc Tuấn đều có chung quan điểm, khi hỗ trợ di dời các hộ dân ra khỏi khu vực sụt lún cần hỗ trợ cả nhà cửa, ruộng vườn, nếu không bà con sẽ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị có ngay phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vì hiện tại bà con phải chở nước ở xa về hoặc sử dụng nước không hợp vệ sinh.

 

Chính quyền cam kết: Làm hết khả năng

 

Trước những băn khoăn, thắc mắc và kiến nghị của người dân, lần lượt đại diện các sở, ngành liên quan và huyện Đồng Hỷ trả lời, làm rõ. Thay mặt sở Tài nguyên - Môi trường, ông Nguyễn Bá Chính, Phó Giám đốc thông tin: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã đặt hàng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức xác định nguyên nhân sụt lún, chủ thể gây sụt lún và phạm vi ảnh hưởng khi tiếp tục hoạt động khai khoáng. Viện đã gửi đề cương phương án xác định trình tỉnh phê duyệt với kinh phí dự kiến 4,6 tỷ đồng, thời gian xác minh khoảng 6 tháng. Sở cam kết, cùng chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm giải quyết dứt điểm vấn đề này. Còn ông Ma Đình Hùng, Trưởng phòng Kinh tế xây (Sở Xây dựng) dựng khẳng định, sẽ tăng cường cán bộ kiểm tra, đánh giá mức độ của từng công trình, từ đó đề xuất di dời các trường hợp nguy hiểm.

 

Trả lời người dân tại buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, ông Phạm Văn Sĩ khẳng định, thời gian qua huyện đã rất nỗ lực cùng các sở, ngành và doanh nghiệp tìm giải pháp giải quyết tình trạng sụt lún, nhưng phải thừa nhận kết quả chưa như mong muốn. Cốt lõi của vấn đề là phải có căn cứ pháp lý, kết quả xác định nguyên nhân, chủ thể gây sụt lún, từ đó sẽ thực hiện các bước giải quyết triệt để.

 

Tại đây,đồng chí Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau thường xuyên báo cáo và có phương án di dời khẩn cấp các trường hợp sụt lún đặc biệt nguy hiểm, nếu người dân không hợp tác, cần tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo tính mạng bà con…

 

Với trách nhiệm trực tiếp điều hành giải quyết vấn đề sụt lún, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Văn Thủy cam kết trước dân sẽ có phương án hỗ trợ khẩn cấp cho bà con. Ngay trong ngày 15-4, huyện đã chi trả 8 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng di dời 8 hộ dân xóm Hòa Bình ra bên ngoài. Hai hộ nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm khác cũng được chuyển ra nơi ở mới. Huyện sẽ cho rà soát, sửa chữa, nâng cấp lại hệ thống nước sinh hoạt tự chảy đã xây dựng trước đây để đảm bảo cấp nước ngay trở lại cho bà con. Đồng thời, đề nghị Mỏ sắt Trại Cau tổ chức bơm nước từ moong khai thác lên phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thủy, UBND huyện đang yêu cầu phòng chuyên môn xuống hiện trường thống kê, đánh giá sản lượng gieo trồng để có phương án hỗ trợ một phần thiệt hại cho bà con. Do cấp thiết nên huyện sẽ tính toán sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương, đồng thời huy động thêm nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp liên quan. Cũng tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện đã chính thức công khai số điện thoại di động của mình để người dân tiện liên lạc thông báo tình hình sụt lún. Đồng thời, đề nghị người dân vùng ảnh hưởng nỗ lực khắc phục khó khăn trước mắt, khi có kết quả chính xác sẽ tiến hành giải quyết tổng thể. Chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường đôn đốc rút ngắn thời gian xác định nguyên nhân; đề nghị Mỏ sắt Trại Cau giảm sản lượng khai thác tại khai trường Tầng sâu Núi Quặng cho đến khi có kết quả xác định cụ thể.