Đó là một trong những chỉ đạo trọng tâm của đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn được tổ chức sáng 8-5. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và đại diện một số hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn.
Hiện nay, tổng đàn lợn thịt tồn đọng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 600 nghìn con (giảm 3,5% so với cùng kỳ), tổng đàn lợn nái cơ bản vẫn giữ ổn định ở mức 200 nghìn con. Về giá cả, thịt lợn hơi xuất chuồng từ 18.000-19.000 đồng/kg (người chăn nuôi lỗ 1-1,5 triệu đồng/con), lợn giống từ 200.000-500.000 đồng/con (người nuôi lỗ 2-3 triệu đồng/ con nái). Do thua lỗ và thiếu vốn, các hộ chăn nuôi đua nhau hạ giá, bán chạy để cắt lỗ khiến giá bán càng giảm sâu. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang gặp nhiều rất nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, vốn, đầu ra sản phẩm... để duy trì ổn định, phục hồi sản xuất.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các giải pháp khẩn cấp như: Đề nghị tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi lợn với mức 1 triệu đồng đối với các trang trại, gia trại có quy mô từ 10 con nái trở lên để duy trì đàn lợn nái; hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất, vắc xin tiêm phòng; hỗ trợ chi phí giết mổ tại cơ sở có kiểm soát của cơ quan thú y với mức 35.000 đồng/con; hỗ trợ lệ phí kiểm soát giết mổ 7.000 đồng/con. Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét, tiến hành điều chỉnh giá điện đối với các hộ chăn nuôi, đề nghị các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất và tiếp tục cho vay để người chăn nuôi phục hồi sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng vắc xin, không để dịch bệnh bùng phát...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn cần tăng cường công tác tuyên truyền về thực trạng ngành Chăn nuôi hiện nay, các giải pháp cấp bách và lâu dài của tỉnh để ổn định phát triển chăn nuôi. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT khẩn trương xây dựng phương án hỗ trợ người chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì đàn lợn nái và tổ chức kết nối cung, cầu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời giao Sở Công Thương có phương án, đề án hỗ trợ tiền điện cho ngành Chăn nuôi. Đối với các ngân hàng, cần tiếp tục cho vay phục vụ sản xuất chăn nuôi và giảm lãi suất trong điều kiện có thể. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần có phương án đề xuất giảm giá bán nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn cần tính toán giảm lãi để người nông dân bớt thiệt thòi. Các sở, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh cần có chính sách hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo an toàn dịch bệnh...