Khắc phục sự cố thấm thân đập chính hồ Núi Cốc

07:51, 15/06/2017

Những ngày qua, thông tin về việc thân đập chính hồ Núi Cốc bị thấm, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão đã khiến nhiều người dân trong tỉnh lo lắng. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc - về vấn đề này.

P.V: Thưa ông, hiện tượng thấm thân đập chính hồ Núi Cốc xảy ra lâu chưa và nguyên nhân do đâu?

 

Ông Nguyễn Công Thịnh: Công trình thuỷ lợi hồ Núi Cốc được khởi công xây dựng năm 1972 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1978. Thân đập là đập đất đồng chất, tại thời điểm đó được thi công bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, công trình đưa vào khai thác đã hơn 40 năm với tần suất cao, phục vụ các mục đích tổng hợp như dân sinh, du lịch.... Trong quá trình quản lý, vận hành công trình, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh đã phát hiện tình trạng nước thấm qua đập chính gây nguy cơ mất an toàn. Do đó, từ năm 2014, Công ty đã đề xuất với Sở Nông nghiệp - PTNT báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp - PTNT và Bộ đã đồng ý cho triển khai thực hiện Dự án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn công trình hồ Núi Cốc với mức đầu tư dự kiến là 250 tỷ đồng, trong đó có hạng mục gia cố đập chính. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay Dự án vẫn chưa được thực hiện. Đầu năm 2017, Công ty phát hiện lượng nước thấm qua đập chính tăng lên, có nguy cơ gây nguy hiểm nên đã báo cáo với Sở Nông nghiệp - PTNT và UBND tỉnh để xin ý kiến xử lý.

 

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ, chúng tôi thấy việc thấm ở đập chính là thấm cục bộ, xảy ra ở từng điểm và từng lớp đất cụ thể trên mái hạ lưu đập. Nguyên nhân được xác định sơ bộ có thể là do một số lớp đất đắp đập không đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất đất và độ chặt đầm nén. Do đập đã được vận hành khai thác sử dụng lâu ngày (hơn 40 năm), độ kết dính của đất đắp bị lão hóa không còn đảm bảo chống thấm cho thân đập; hoặc có thể do trong quá trình thi công, các lớp đất đắp với nhau bị phân tầng lâu ngày, tạo ra đường thấm qua đập.

 

PV: Trước thông tin xảy ra tình trạng thấm ở đập chính và hư hỏng một số hạng mục như tràn xả lũ số 1, số 2... khiến người dân lo lắng và cho rằng công trình hồ Núi Cốc hiện không đảm bảo an toàn, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

 

Ông Nguyễn Công Thịnh: Hiện nay, mực nước trong hồ đang ở mức thấp (mực nước lúc 7 giờ ngày 14-6-2017 là 40,05m). Theo quy trình vận hành đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 118/2006/QĐ-BNN ngày 29-12-2006, mực nước lớn nhất trong hồ tại thời điểm ngày 1-7 có thể trữ là +42,7m, ngày 1-8 có thể trữ là +44,0m và ngày 1-9 có thể trữ là +46,2m. Để công trình hồ Núi Cốc vận hành an toàn có thể giảm một phần mực nước trong hồ tại các thời điểm trên mà vẫn đảm bảo yêu cầu vận hành khai thác.

 

Tuy nhiên, trước thời tiết cực đoan có thể xuất hiện mưa bão dồn dập với cường độ lớn trong nhiều ngày do biến đổi khí hậu. Nếu không được xử lý kịp thời hiện tượng thấm như đã nêu ở trên thì có khả năng gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác công trình và ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình.

 

PV: Vậy, Công ty đã triển khai  những giải pháp xử lý như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Công Thịnh: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 9-6, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị tư vấn là Tổng Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Đây là đơn vị có đầy đủ nhân lực, vật lực, thiết bị máy móc hiện đại và chuyên ngành lâu năm về thiết kế, sửa chữa hồ chứa đập đất. Hiện, đơn vị tư vấn đang tiến hành khảo sát, hoàn thiện hồ sơ khảo sát và dự kiến sẽ hoàn thành phương án sửa chữa xong trước ngày 18-6.

 

Về phía Công ty, chúng tôi đã phân công cán bộ có trình độ cao, có thâm niên công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý hồ chứa, quản lý đập đất thường xuyên trực, theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời các diễn biến dù là nhỏ nhất. Từ đó sẽ đưa ra phương án xử lý, đảm bảo không để xảy ra bất cứ sự cố nào.

 

Đồng thời, Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh cho thực hiện Dự án cấp bách sửa chữa thân đập chính hồ Núi Cốc. Các khâu thực hiện Dự án như: Phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phê duyệt Dự án đầu tư... phấn đấu xong trước ngày 30-6. Dự kiến, sau khi hoàn thiện các thủ tục, từ ngày 1-7, đơn vị thi công sẽ tiến hành sửa chữa, khoan thí nghiệm và khoan phụt thi công vữa chống thấm hoàn thành vào ngày 25-7. Đối với các hạng mục còn lại như: sửa chữa thấm hạ lưu, đống đá tiêu nước, rãnh thoát nước... sẽ hoàn thành trước ngày 30-8 tới.

 

PV: Để đảm bảo vận hành an toàn công trình thuỷ lợi trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc, về phía Công ty có những kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Công Thịnh: Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan sớm hướng dẫn, chỉ đạo hoàn thiện các bước phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu - cho chỉ thầu tư vấn thiết kế, chỉ thầu thi công, chỉ thầu tư vấn giám sát với thời gian nhanh nhất để Công ty thực hiện xử lý những hiện tượng thấm nêu trên hoàn thành theo chỉ đạo của UBND tỉnh xong đúng thời hạn, tiến độ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

 

Chúng ta đều biết, Công trình hồ Núi Cốc có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn công trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhiều năm tới, chúng tôi cũng kiến nghị với tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương cho thực hiện Dự án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn công trình hồ Núi Cốc. Theo đó, sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản tạo cảnh quan thiên nhiên để phát triển vùng du lịch trọng điểm Quốc gia.

 

P.V: Xin cảm ơn ông!