Khẩn cấp lập dự án thực hiện xử lý thấm đập chính hồ Núi Cốc

15:01, 06/06/2017

Ngay sau khi nhận được báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thân đập chính hồ Núi Cốc bị thấm, khiến một số vị trí trên thân đập bị phùi nước, đe dọa sự an toàn của đập, ngày 6-6, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra tại thực địa. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở và đơn vị liên quan.

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn đã cho đào một số viên gạch bê tông tại vị trí bị phùi nước được lát trên thân đập. Kết quả cho thấy có nước úng dưới những viên gạch, điều này cho thấy sự an toàn của đập chính hồ Núi cốc - một trong những công trình trọng điểm Quốc gia đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng. Đồng chí đã tiến hành họp khẩn cấp với đại diện các sở, ngành và đơn vị cùng đi để nghe báo cáo thêm về các vấn đề có liên quan và các giải pháp để xử lý cả trước mắt cũng như lâu dài.

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị thành viên có ngay báo cáo cụ thể, chi tiết về hiện trạng hư hỏng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục cả trước mắt và lâu dài,nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối của đập chính hồ Núi Cốc. Đồng chí yêu cầu, trong vòng 45 ngày (tính từ ngày 6-6), việc xử lý trước mắt phải được hoàn thành, để chậm nhất từ ngày 10 đến 20-8, hồ Núi Cốc có thể thực hiện việc trữ nước cho phục vụ cho các vụ sản xuất nông nghiệp tiếp theo.

 

Do tính chất nghiêm trọng của sự việc nên UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định cho lập dự án cấp bách; giao Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư, cho phép chỉ thầu đơn vị tư vấn và xây dựng nhưng phải đảm bảo có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy lợi, hồ chứa để đưa ra phương án hiệu quả nhất cả về thời gian, tài chính và kỹ thuật. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm giám sát việc xử lý công trình để kịp thời báo cáo UBND tỉnh những tình huống có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo nguyên tắc trong quá trình sửa chữa phải có phương án phòng, chống lụt bão. Trước mắt, tỉnh sẽ trích nguồn kinh phí dự phòng để sửa chữa công trình. Song về lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT cần có báo cáo chính thức với Bộ chủ quản về thực trạng, biện pháp xử lý, để trên cơ sở đó, tỉnh sẽ làm việc và đề xuất với Bộ quan tâm dành kinh phí đầu tư sửa chữa công trình.