Ngày 8-6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về quy trình, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT(Xây dựng - Chuyển giao) trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, chuyên gia của các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đầu tư theo hình thức đối tác công tư là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Thái Nguyên hiện có 28 dự án đầu tư PPP với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong số này có 20 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Tuy nhiên, trong quá trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư PPP trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về: Kinh phí thực hiện lập quy hoạch xây dựng, lập dự án và giải phóng mặt bằng; xác định giá trị đất; xử lý chuyển tiếp dự án cũ... Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành của Trung ương và địa phương đã trao đổi, thảo luận về tính pháp lý của việc ban hành và các nội dung về quy trình, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức công tư trên địa bàn tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Thái Nguyên đã và đang thu hút các nguồn lực đầu tư, trong đó khuyến khích việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Để các dự án đầu tư theo hình thức này có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh cần thiết phải ban hành một văn bản mang tính chất điều hành nội bộ quy định về cơ chế đặc thù, quy trình thực hiện và các vấn đề liên quan được công khai minh bạch... Tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội nghị, đồng chí yêu cầu các cơ quan tham mưu rà soát, chỉnh sửa lại các nội dung của bản dự thảo theo hướng ngắn gọn, súc tích, cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và các bộ, ngành liên quan và phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh để trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất...