Mưa lớn không ảnh hưởng đến đập chính hồ Núi Cốc

19:30, 23/06/2017

Trước thông tin trận mưa lớn diễn ra sáng 23-6 có khả năng ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn của công trình hồ Núi Cốc khiến nhiều người dân trên địa bàn tỉnh rất lo lắng, phóng viên Báo Thái Nguyên đã làm việc với các cơ quan chức năng để thông tin rõ vấn đề này.

Trên cánh đồng xóm Diện, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) bà Đồng Thị Thọ, người dân trong xóm đang dẫn nước từ kênh hồ Núi Cốc vào ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thọ chia sẻ: Những ngày qua, nghe thông tin về đập chính hồ Núi Cốc có nguy cơ mất an toàn khiến bà con chúng tôi rất lo lắng. Bởi T.X Phổ Yên là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp khi hồ xả lũ, nếu chúng tôi không được thông tin và hướng dẫn kịp thời thì sẽ khó đảm bảo an toàn về tài sản cũng như tính mạng.

 

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh cũng rất quan tâm đến công trình đa mục tiêu hồ Núi Cốc. Ông Kim Dong Youl, Giám đốc cơ sở hạ tầng Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết: Mỗi ngày, tổ hợp Samsung (gồm 3 Công ty SEVT, SMV và HANSON) tiêu thụ hết 50 nghìn m3 nước/ngày đêm. Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng nước sẽ ngày càng tăng, nếu Nhà máy nước Yên Bình dừng cấp nước thì chúng tôi lập tức phải dừng sản xuất ngay. Vì thế, chúng tôi đã cử cán bộ đến thực tế xem xét tình hình và khảo sát chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Công ty.

 

Chiều 23-6, có mặt tại hồ Núi Cốc, chúng tôi quan sát thấy mực nước hồ không có biến động. Các nhân viên của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên vẫn đang túc trực theo dõi diễn biến mực nước hồ. Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Huy Hoàng, Cụm trưởng Cụm quản lý đầu mối hồ Núi Cốc cho biết: Việc quan trắc, theo dõi mực nước hồ Núi Cốc và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập được chúng tôi thực hiện hằng ngày. Mực nước tại hồ lúc 7 giờ sáng ngày 22-6 là 40,50m, còn 7 giờ sáng ngày 23-6 là 40,53m và lúc 15 giờ là 40,54m. Như vậy là không có sự biến động lớn. Trận mưa diễn ra sáng 23-6 chỉ là mưa cục bộ ở khu vực T.P Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ nên không ảnh hưởng gì đến mực nước của hồ Núi Cốc. Do lưu vực của hồ chủ yếu nằm ở hai huyện Đại Từ và Định Hóa nên nếu hai huyện này có mưa lớn trên diện rộng thì mực nước hồ mới bị ảnh hưởng.

 

Còn ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh thì khẳng định: Hiện nay, mực nước hồ đang ở mức rất thấp, chỉ đạt 35% dung tích thiết kế nên trong điều kiện mưa lũ bình thường, hồ vẫn có khả năng phòng lũ lớn và đảm bảo an toàn. Nếu trong trường hợp có mưa với lưu lượng lớn, Công ty sẽ dùng giải pháp vận hành để tháo lũ sớm, cố gắng không phải vận hành thoát lũ qua đập phụ. Chúng tôi cũng đã yêu cầu lực lượng quan trắc ở hai huyện Đại Từ và Định Hóa khi có mưa lớn phải báo cáo về Công ty để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời. Khi mực nước lên cao, Công ty phải tiến hành xả lũ, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng hạ du, Công ty cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn bà con biện pháp trong sản xuất, sinh hoạt để phòng lũ.

 

Nói về các giải pháp ứng phó với thiên tai trong điều kiện hồ Núi Cốc đang trong quá trình sửa chữa, ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Trong những ngày có mưa lớn, Văn phòng tiếp tục thực hiện trực ban 24/24 giờ, thông tin tình hình thời tiết, thủy văn; đồng thời, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp kịp thời nhằm ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Đối với công trình hồ Núi Cốc, chúng tôi yêu cầu Công ty thường xuyên theo dõi lượng mưa và có báo cáo mực nước 1 lần mỗi ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện kiểm tra, giám sát các phương án sửa chữa mà Công ty đưa ra, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiến độ.

 

Như vậy, đến thời điểm này, hồ Núi Cốc vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để tránh tâm lý chủ quan, bị động, các địa phương ở vùng hạ du hồ Núi Cốc như T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nắm bắt tình hình, chủ động ứng phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng tiến hành di dân khi có tình huống xấu xảy ra.