Kết quả xét nghiệm mẫu nước RO phục vụ cho công việc chạy thận nhân tạo của 40 bệnh viện trên cả nước cho thấy, có 24/40 (60%) số bệnh viện có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép.
Ngày 25-7, PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, Viện vẫn thường xuyên xét nghiệm chất lượng nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo cho một bệnh viện Trung ương và địa phương và tư vấn kịp thời cho các bệnh viện xử lý.
Sau khi có sự cố làm tám bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, viện đã nhận xét nghiệm miễn phí các mẫu nước của 40 bệnh viện trên các tỉnh, thành phố cả nước gồm mẫu nước đầu nguồn (trước khi lọc thô) để đánh giá chất lượng nước cấp; nước RO sau lọc (nước dùng trực tiếp cho lọc thận) và nước sau rửa quả lọc để đánh giá tồn dư chất khử trùng dùng trong chạy thận nhân tạo. Đến nay, viện đã có những kết quả cuối cùng để gửi tới Giám đốc các bệnh viện.
Với các mẫu nước đầu nguồn, kết quả xét nghiệm phát hiện có 22/31 mẫu (chiếm 70% mẫu) không đạt các tiêu chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT. Trong đó, có hai bệnh viện không đạt độ pH (6,45%), hai bệnh viện không đạt chuẩn độ đục (6,45%) và bảy bệnh viện (22,5%) không đạt chỉ số Pecmanganat. Về kết quả xét nghiệm vi sinh, có 42,5% mẫu nước của bệnh viện (17/40) không đạt chuẩn về Coliform và 3/40 mẫu không đạt về tiêu chuẩn Ecoli (chiếm 7,5%).
Riêng về mẫu nước RO, ông Hải cho hay với việc xét nghiệm 23 chỉ số hóa, hai chỉ số vi sinh theo tiêu chuẩn AMMI của Mỹ, thì có tới 24/40 bệnh viện không đạt tiêu chuẩn, chiếm khoảng 60% số bệnh viện gửi mẫu xét nghiệm.
Trong đó, cụ thể là có 3/40 bệnh viện có tổng vi khuẩn hiếu khí (7,5%) và có 24/40 bệnh viện có mẫu nước RO có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép (60%).
Nồng độ vi khuẩn trong nước nguồn rất cao nên sau khi khử trùng, vi khuẩn chết giải phóng nội độc tố Endotoxin trong nước RO. Các chuyên gia lưu ý, tùy với cơ địa mỗi bệnh nhân, nồng độ nội độc tố cao hơn ngưỡng cho phép có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân: giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, sốt, thậm chí tử vong.
Đối với nước rửa quả lọc, viện xét nghiệm thấy có 1/31 mẫu có phát hiện tồn dư chất diệt khuẩn.
“Chúng tôi đã gửi kết quả này tới Giám đốc các bệnh viện để có phương án khắc phục sớm nhất. Tôi khuyến cáo các cơ sở y tế cần tuân thủ đúng hướng dẫn quy trình chạy thận nhân tạo do Bộ Y tế ban hành, giám sát chất lượng nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo ở tất cả các công đoạn và có phương án xử lý sự cố để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra như vụ tai biến vừa qua tại Hòa Bình” - ông Doãn Ngọc Hải bày tỏ.
Trước đó, vào ngày 3-7, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường có công văn gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ các cơ sở y tế kiểm tra chất lượng nước RO chạy thận nhân tạo.
Sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm tám người tử vong với nguyên nhân ban đầu được nhận định là do nguồn nước có tồn dư các chất khử trùng, trong đó có sự tồn tại của hóa chất Axit Flohydric cao gấp nhiều lần cho phép được coi là một sự cố y khoa nghiêm trọng trong ngành y tế nhiều năm qua, nhất là trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo thường quy. Từ đây, câu chuyện về chất lượng nguồn nước đầu vào, nguồn nước RO, bể chứa nước, nước rửa quả lọc thận... được các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đặt câu hỏi, liệu đã đạt được được đúng quy chuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành.
PGS Doãn Ngọc Hải cho hay, về vấn đề chuyên môn lọc thận nhân tạo đã có hướng dẫn của Bộ Y tế và sự hỗ trợ của bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai. Tới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường sẽ hỗ trợ, tập huấn cho các cán bộ liên quan về giám sát chất lượng nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện chạy thận nhân tạo, bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh.