Kỳ họp HĐND tỉnh lần này sẽ quyết định mức tăng giá dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là lần tăng thứ 2 của giá dịch vụ y tế kể từ năm 2016 và hướng đến nhóm đối tượng là người không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Trước thời điểm tăng giá, đa số bệnh nhân bày tỏ mong muốn chất lượng các dịch vụ y tế sẽ được nâng lên tương xứng.
Cầm hóa đơn thanh toán tiền khám bệnh dày đặc những xét nghiệm, các loại thuốc với chi phí lên đến hơn 3 triệu đồng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ông Trịnh Ngọc Thông ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt (Phú Lương) buồn rầu: Khi tôi thắc mắc về chi phí khám, chữa bệnh, các bác sĩ giải thích là vừa qua giá dịch vụ y tế đã tăng nên giá các xét nghiệm, thuốc đều tăng. Vì tôi không có thẻ BHYT nên phải tự thanh toán toàn bộ chi phí.
Được biết, từ cuối tháng 6-2017, cùng với nhiều bệnh viện tuyến Trung ương trong cả nước, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế. Lần tăng giá này hướng đến nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Sau các bệnh viện tuyến Trung ương, tới đây, HĐND tỉnh sẽ họp và quyết định mức tăng giá dịch vụ y tế đối với nhóm bệnh nhân này tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Từ khi biết thông tin ngành Y tế Thái Nguyên chuẩn bị triển khai đợt điều chỉnh giá với một số dịch vụ y tế tăng gấp 2-3 lần so với giá cũ, nhiều bệnh nhân không có thẻ BHYT tỏ ra lo lắng. Chị Nguyễn Thị Tình ở phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên), đang điều trị tại khoa Sản, Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: Tôi là lao động tự do nên không có thẻ BHYT. Sau đợt điều trị này tôi sẽ mua ngay thẻ BHYT để được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.
Tính đến hết năm 2016, Thái Nguyên có 97,5% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này ở mức cao so với trung bình toàn quốc. Do đó, thực tế, lần tăng giá này không gây xáo trộn nhiều đối với đời sống nhân dân. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở y tế bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: lương và phụ cấp cho cán bộ y tế; khấu hao trang thiết bị y tế; khấu hao cơ sở hạ tầng; đào tạo – nghiên cứu khoa học; thuốc, vật tư tiêu hao, dịch truyền, máu; điện nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, xử lý vệ sinh môi trường; duy tu bảo dưỡng thiết bị được tính đúng, tính đủ. Vì vậy, đông đảo người dân khi được hỏi đều quan tâm đến vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh có được nâng cao? Chị Nguyễn Thị Lý ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đang điều trị tại Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: Thông qua lần tăng giá này, tôi mong muốn chất lượng điều trị, thái độ phục vụ tại các cơ sở y tế sẽ được tăng lên. Còn chị Chu Thị Hòa, ở xóm Chùa Gia, xã Hà Châu (Phú Bình) bộc bạch: Nghe nói lần tăng giá này sẽ tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên tôi mong muốn các bệnh viện sẽ đầu tư nâng cao cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân đến khám, chữa bệnh.
Ông Phạm Quang Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Sông Công cho rằng: Điều quan trọng nhất bệnh nhân quan tâm trong kỳ tăng viện phí lần này chất lượng khám, chữa bệnh, bao gồm nhiều yếu tố như: khám bệnh đúng, chỉ định đúng thuốc, chữa bệnh hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn… Để chuẩn bị cho đợt điều chỉnh viện phí tới, Trung tâm đã tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ những vấn đề nhỏ nhất như: bổ sung thêm ghế ngồi, quạt cho bệnh nhân, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác đón tiếp và tư vấn cho bệnh nhân…
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên nêu quan điểm: Dù có tăng giá hay không thì nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vẫn là mục tiêu và hoạt động thường xuyên của Bệnh viện từ trước đến nay. Nếu không có tăng giá lần này, chúng tôi vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng thông qua đầu tư vào các yếu tố: hạ tầng, trang thiết bị y tế và con người. Tuy nhiên, khi tăng giá, Bệnh viện sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đối với các cơ sở y tế, việc nâng cao chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ cán bộ, cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế. Một khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ theo đúng giá trị thực sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các cơ sở y tế, giữa y tế công lập và tư nhân. Do đó, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế là một lộ trình bắt buộc mà các cơ sở y tế phải thực hiện thường xuyên, liên tục và nhanh chóng nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Thêm nữa, người dân cũng được khuyến cáo nên tham gia Bảo hiểm y tế để được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.