Vụ nổ lò luyện thép làm 4 người thương vong: Doanh nghiệp quá chủ quan trong vấn đề ATLĐ

12:03, 17/07/2017

Vừa qua, sự cố tràn nước thép gây nổ lò luyện thép tại Công ty TNHH Hiệp Linh -  chuyên sản xuất phôi thép ở phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) đã làm 4 công nhân trong ca làm việc thương vong và nhà ở của hơn 10 hộ dân lân cận bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, xảy ra sự cố trên có nhiều nguyên nhân song phần lớn là do doanh nghiệp còn chủ quan trong quá trình sản xuất, bởi đây không phải là lần đầu tiên Công ty để xảy ra sự cố.  

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiện trường vụ nổ lò luyện thép của Công ty TNHH Hiệp Linh ngày 7-7-2017, toàn bộ phần mái của nhà xưởng và hệ thống máy móc bị hư hỏng nặng. Thông tin từ những nạn nhân và người chứng kiến sự việc cho biết, vào khoảng 2 giờ ngày 7-7, khi công nhân của Công ty TNHH Hiệp Linh đang chuẩn bị hoàn tất công đoạn cuối để ra phôi thép thì nước thép tràn ra ngoài gặp nước gây nổ lớn. Vụ nổ đã làm Phạm Văn An, sinh năm 1978 (công nhân của Công ty, trú tại T.P Thái Nguyên) bị bỏng nặng và đã tử vong sau khi được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) 2 ngày; 3 người khác trong ca làm việc bị thương gồm: Nguyễn Văn Thức (sinh năm 1982) trú tại xã Minh Đức, T.X Phổ Yên; Dương Văn Hiệu (sinh năm 1986) và Đặng Tuấn Anh (sinh năm 1991) cùng trú tại xã Tân Quang, T.P Sông Công.

 

Vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn, anh Dương Văn Hiệu cho biết: Khi đang làm việc trong xưởng, tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, cùng lúc ấy điện xung quanh bị mất hoàn toàn và nước thép bắn lên tung tóe. Dù đã một vài lần xảy ra trường hợp tương tự nhưng vì quá đột ngột nên theo phản xạ, tôi chỉ kịp ôm đầu rồi chạy nhanh ra phía ngoài. Những tấm lợp của nhà xưởng do áp lực bị vỡ vụn đã rơi xuống khiến tôi, Tuấn Anh và Thức bị thương phải khâu ở đầu và bỏng nhẹ. Hiện nay, sức khỏe của chúng tôi đã ổn định nhưng đôi khi tai vẫn có cảm giác bị ù. Riêng anh An, khi đó đang cuốn cáp trong gầm lò nên bị bỏng nặng toàn thân, mặc dù đã được đưa đi điều trị ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo T.P Sông Công sau khi xảy ra sự cố, ông Nguyễn Xuân Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Linh thừa nhận, đi vào hoạt động từ năm 2007, đây là lần thứ 3 Công ty để xảy ra sự cố nổ lò luyện thép. Nguyên nhân của những lần nổ trước có thể là do thao tác vận hành của công nhân chưa đúng kỹ thuật hoặc sơ suất khi để lẫn phế liệu dễ gây cháy nổ trước khi nạp vào lò. Tuy nhiên, những lần đó chỉ gây nổ nhẹ và không có thiệt hại về người nên Công ty cho công nhân bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và hệ thống công nghệ, sau đó sản xuất bình thường. Với những hộ dân sinh sống liền kề khu nhà xưởng của Công ty, khi sự cố xảy ra, nhà ở của họ thường bị rạn tường hoặc cửa kính bị vỡ, hỏng. Bà Nguyễn Thị Cương ở tổ dân phố An Châu 1 - hộ dân sinh sống gần Công ty cho biết: Sau mỗi lần xảy ra sự cố nổ lò, mặc dù Công ty rất có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nhưng quả thực, tôi rất hoang mang, lo lắng nếu sống lâu dài tại đây.

 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, những vụ nổ kim loại nóng chảy thường xảy ra tại các cơ sở luyện kim, các nhà máy sản xuất thép do rơi kim loại nóng chảy hay chất rắn nhiệt độ cao xuống khu vực xung quanh. Hậu quả, thường gây tử vong, bỏng nặng hoặc thiệt hại nặng về cơ sở vật chất. Mức độ nguy hiểm của vụ nổ phụ thuộc vào lượng chất lỏng cùng với lượng kim loại nóng chảy khi tiếp xúc với nhau. Với Công ty TNHH Hiệp Linh, trước đó đã từng xảy ra nổ nhưng Công ty chưa thực hiện được các biện pháp cần thiết như ngăn chặn nước, hơi ẩm, chất lỏng có thể xâm nhập vào khu vực lò hoặc tiếp xúc với kim loại nóng chảy. Cũng vì không lường trước được hậu quả nên chủ doanh nghiệp này vẫn để công nhân làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ cao.

 

Một số công nhân làm việc tại Công ty cho biết, họ chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn chi tiết và đào tạo về các mối nguy hiểm khi làm việc với kim loại nóng chảy, những nguy hiểm khi chất lỏng xâm nhập vào trong lò. Họ chỉ được trang bị những bộ đồ bảo hộ cá nhân thông thường như: quần áo lao động, giày, ủng mà không được trang bị những loại phương tiện bảo vệ cá nhân đặc chủng sử dụng trong môi trường làm việc với kim loại nóng chảy. Bởi vậy, công nhân rơi vào tình thế bị động, thiếu kỹ năng thoát hiểm khi sự cố xảy ra.

 

Để xảy ra sự việc đáng tiếc trên, ngoài việc chủ doanh nghiệp vẫn còn xem nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn lao động thì một phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng trên địa bàn. Bởi lẽ, sau các vụ nổ của Công ty TNHH Hiệp Linh, các đơn vị có chức năng quản lý, giám sát về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại đây chưa đưa ra cảnh báo cũng như thực hiện các biện pháp xử phạt nghiêm minh nên sự cố của Công ty mới lặp lại. Thiết nghĩ,  trên T.P Sông Công hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực luyện, đúc phôi thép, các cơ quan chức năng của Thành phố cần tổ chức rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp này, đồng thời tuyên truyền để các chủ doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, nhất là về vấn vệ sinh an toàn lao động trong quá trình sản xuất, từ đó tránh được các tai nạn đáng tiếc xảy ra.