Chủ động ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lũ, sạt lở đất sau bão

09:46, 24/08/2017

Theo tin từ Trung tâm sự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Hato (Cơn bão số 6) đã đi vào biển Đông. Vị trí tâm bão trên vừng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ngày 24 và 25-8, ở Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lũ, sạt lở đất sau bão, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các địa phương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tăng cường thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa để chủ động các phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
  Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp xuống chỉ đạo chính quyền cơ sở và người dân trực tiếp kiểm tra, rà soát ngay những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản và khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt để thông tin cảnh báo đến người dân và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; chủ động sẵn sàng phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước, bến đò ngang, đò dọc để bảo đảm an toàn cho con người và phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn  nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu.

Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng quản lý trực canh tại các hồ chứa xung yếu, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để bảo đảm an toàn công trình và hạ du khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn: Núi Cốc, Bảo Linh, Vai Miếu.