Gần 8% bệnh nhân mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện

09:28, 16/08/2017

Tại Việt Nam, điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đại diện các khu vực trong cả nước, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) từ 6-8%. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết học, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu là ba loại NKBV phổ biến nhất.

Gần 8% bệnh nhân mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện

 

BV Bạch Mai vừa tổ chức hội thảo về nhiễm khuẩn bệnh viện và triển khai kế hoạch điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn bệnh viện năm 2017 tại các khoa Lâm sàng, khoa Vi sinh và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

 

TS.BS Trương Anh Thư, Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn được coi là NKBV khi ngày biến cố xuất hiện sau hai ngày tính từ ngày nhập viện (ngày nhập viện là ngày một). Ngày biến cố là ngày xuất hiện dấu hiệu/ triệu chứng đầu tiên đáp ứng một trong số các tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm khuẩn. NKBV đang là vấn đề thách thức chất lượng khám, chữa bệnh của mỗi bệnh viện.

 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các nước phát triển, 5%-10% bệnh nhân nhập viện mắc ít nhất một loại NKBV. Tỷ lệ này ở những nước đang phát triển cao gấp 2 đến 20 lần so với những nước phát triển. NKBV làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, kéo dài ngày nằm điều trị và tăng chi phí điều trị.

 

Tại Việt Nam, theo một kết quả nghiên cứu vào năm 2007 trên 7.571 bệnh nhân được điều tra, có 553 bệnh nhân mắc NKBV, chiếm tỷ lệ 7,8%.

 

Tác nhân chính gây NKBV là 78% trực khuẩn gram (-); 19% cầu khuẩn gram (+) và 3% nấm. Các yếu tố liên quan tới NKBV gồm bệnh nhân nặng điều trị tại đơn vị hồi sức cấp cứu, ngoại, bệnh nhân trải qua nhiều thủ thuật xâm nhập và bệnh nhân nhi.

 

Nguồn cư trú của vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện ở ngay mỗi con người gọi là vi sinh vật nội sinh (như vi khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp, da, đường sinh dục, tiết niệu...). Cơ thể con người có thể chung sống hòa bình với vi sinh vật nội sinh, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi thì cơ thể dễ dàng bị nhiễm khuẩn.

 

Trong 146 chủng vi sinh vật phân lập được ở 102 bệnh nhân NKBV, trực khuẩn gram (-) như Acinetobacter baumanii, Pseudomonas aeruginosa và Candida spp chiếm > 70% các tác nhân gây NKBV phân lập được. Những vi sinh vật này thường cư trú ở bề mặt môi trường ẩm ướt và dễ dàng xâm nhập vào bệnh nhân khi điều kiện thuận lợi. Hơn nữa, việc điều trị NKBV do các trực khuẩn gram (-) và nấm còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các vi sinh vật này đều đề kháng với các kháng sinh thông dụng.

 

TS Thư dẫn chứng, có nhiều bài học lớn từ thế giới về việc NKBV không chỉ với người bệnh mà với cả đội ngũ y tế. Tại dịch Ebola trên thế giới, có 839 cán bộ y tế mắc Ebola, và trong đó, có 491 người tử vong vì Ebola.

 

1/3 nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phòng ngừa được

 

Bác sĩ Thư cảnh báo, NKBV không những gây hậu quả nặng nề về mặt lâm sàng, kinh tế mà còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Tình trạng lạm dụng kháng sinh phổ biến ở những nước đang phát triển cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm mức độ kháng thuốc của các chủng vi khuẩn bệnh viện.

 

Vì thế, NKBV do vi khuẩn đa kháng kháng sinh khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do làm tăng gấp hai lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (30-40%).

 

Hầu hết NKBV được phát hiện ở các đơn vị hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, nơi tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh toàn thân nặng, chịu nhiều thủ thuật xâm nhập, miễn dịch cơ thể suy giảm. Tỷ lệ NKBV cao liên quan tới thủ thuật xâm nhập có thể giải thích do hầu hết bệnh viện chưa có quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, đa số nhân viên y tế chưa được tập huấn thực hành vô khuẩn khi thực hiện thủ thuật. Do vậy, TS Thư nhấn mạnh, việc xây dựng quy định/quy trình và tổ chức tập huấn nhân viên y tế các kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản là yêu cầu cấp thiết với khoa chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện.

 

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn khi tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế, nhưng các bác sĩ cũng cho biết, 1/3 nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phòng ngừa được. Giám sát là biện pháp hiệu quả làm giảm NKBV.

 

Do đó, để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, theo các chuyên gia, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi bệnh nhân. Phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Cần phải có những chương trình đào tạo KSNK cơ bản cho học viên tại các trường đào tạo y trước khi tới thực hành tại các bệnh viện.

 

Các bệnh viện, các cơ sở y tế cần chú trọng nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải....