Ngày 8-8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tham dự Hội nghị có gần 100 đại điểu đại diện có các ban, ngành liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đại diện các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giới thiệu về những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016. Các đại biểu cũng được nghe giới thiệu Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và một số văn bản pháp quy khác liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Luật Trẻ em được thông qua gồm 7 chương với 106 điều. Được đổi tên từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Trẻ em phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật. Luật có nhiều điểm đổi mới tích cực, dễ hiểu, dễ tiếp cận như: Trẻ em có quyền thể hiện ý kiến của mình khi nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật tác động với trẻ em; được ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm…
Bên cạnh đó, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bổ sung mới như trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.