Ngày 3-11, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức Hội thảo về chính sách sản xuất lúa gạo địa phương nhằm lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đại diện chính quyền địa phương và bà con nông dân đối với chính sách sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Từ đó, đưa ra đề xuất bổ sung, điều chỉnh chính sách trong thời gian tới để từng bước nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo.
Những năm gần đây, tỉnh đã dành một lượng ngân sách đáng kể để thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa như: Trợ giá giống lúa lai, lúa thuần; hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp hằng năm có giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, tỉnh còn Ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020... Nhờ đó, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đã tăng từ 44 tạ/ha (giai đoạn 2010-2015) lên 52 tạ/ha (năm 2015); sản lượng thóc năm 2015 đạt 381,33 nghìn tấn, tăng 41,5 nghìn tấn so với năm 2010.
Tuy nhiên, do địa hình chủ yếu là đồi núi, ruộng đồng manh mún nên việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn tỉnh ta còn hạn chế; chưa hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm; liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo hàng hóa còn kém...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xung quanh các vấn đề như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất lúa, giảm chi phí; kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng; đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất lúa tập trung; hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...