Ngày 2-11, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Thực hành về ứng phó sự cố bức xạ năm 2017”. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, các thành viên Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của tỉnh; đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức tham gia ứng phó sự cố bức xạ; các cơ sở tiến hành công việc bức xạ đã tham gia hội thảo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nguồn phóng xạ được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù đã được kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sự cố bức xạ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Điển hình như các thiết bị bức xạ dùng trong chuẩn đoán, điều trị bệnh (thiết bị X-quang, máy gia tốc tuyến tính, máy chụp cắt lớp, máy xạ trị...), nguồn phóng xạ sử dụng trong chiếu xạ, xạ trị; trong công nghiệp có thiết bị phát tia X (sử dụng trong phân tích; đo mức trên dây chuyền sản xuất); nhiều cơ sở thu mua phế liệu kim loại, sản xuất thép lớn; sự cố an ninh xảy ra khi mất cắp, phát tán nguồn phóng xạ; nguồn phóng xạ di động...
Với mục đích nâng cao năng lực trong công tác ứng phó sự cố bức xạ, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, thực hành đối với các tình huống có thể xảy ra sự cố bức xạ từ cấp cơ sở, cấp tỉnh đến cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đưa ra nhiều ý kiến xung quanh hoạt động ứng phó sự cố bức xạ như: thông báo, huy động nguồn lực triển khai ứng phó, tiến hành các biện pháp can thiệp tại hiện trường, kết thúc và khắc phục dài hạn...
Một số ý kiến tại hội thảo đã đề cập đến vấn đề tăng cường biện pháp quản lý, giám sát, đồng thời thường xuyên tập huấn bồi dưỡng kiến thức về an toàn bức xạ không chỉ trong các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng nguồn phóng xạ mà còn cần phổ biến rộng rãi trong xã hội.