Ngày 4-12, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm, kiểm tra một số mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có lãnh đạo các sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Đại học Thái Nguyên.
Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 70% đề tài, dự án về lĩnh vực nông, lâm nghiệp nghiên cứu ứng dụng và một số dự án nghiên cứu ứng dụng theo “đặt hàng” của tỉnh với các trường đại học, doanh nghiệp.
Về cơ bản, các đề tài, dự án đã và đang triển khai đúng tiến độ, có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những dự án điển hình đó là: “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc” do Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân chủ trì. Với mục tiêu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Thái Nguyên; xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển ngành du lịch tại địa phương. Dự án thực hiện tại Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thủy sản vùng Đông Bắc - Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) và hộ dân tại xã Tân Thái (Đại Từ). Với diện tích ao chờ cấy 10.000m2, từ nguồn trai tự nhiên, đến nay đã có 50.000 con được cấy ghép; 5.000 con được cắt ghép làm tế bào. Bước đầu cho thấy khả năng tạo ngọc của trai có độ phủ ngọc nhanh, chất lượng ngọc cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc do Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân chủ trì.
Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loại lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen; xây dựng Bảo tàng về các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh”, do Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Vy Anh chủ trì, thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 3-2017 đến tháng 3-2020). Hiện đơn vị đã thu thập được 65 loài lan, với tổng số gần 2.000 giò được trưng bày tại khu lưu giữ; nhân giống lan Trầm được 1.300 giò; nhân giống lan Phi Điệp tím được 500 giò. Tổng số đã có 3.750 giò lan đang được trưng bày, lưu giữ tại vườn lan trong khu du lịch hồ Núi Cốc.
Dự án đầu tư trang trại sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đồng Hỷ đã và đang được doanh nghiệp, UBND tỉnh và huyện Đồng Hỷ tích cực triển khai, trong đó doang nghiệp được ưu đãi miễn tiền thuê đất với quy mô đầu tư 18,7ha. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện (2016 - 2017), Dự án đã và đang tạo mặt bằng, bước đầu đã trồng trên 3ha rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGap.
Tại các đơn vị triển khai dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực thực hiện dự án của các đơn vị và tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, người lao động. Đồng chí nhấn mạnh: “Chủ trương của tỉnh luôn ủng hộ các dự án, nhất là các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Các cơ quan của tỉnh cũng như các nhà khoa học trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, nhằm đánh thức tiềm năng về đất đai, lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật”.