LLVT tỉnh: Nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu

07:30, 22/12/2017

Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lực lượng vũ trang (LLVT) trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Xác định rõ vinh dự, trách nhiệm cũng như vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, LLVT tỉnh Thái Nguyên luôn lấy chất lượng huấn luyện và khả năng cơ động, SSCĐ làm tiền đề để khẳng định vai trò ấy.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của LLVT địa phương chính là công tác huấn luyện, SSCĐ; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; từng bước xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ (KVPT) trong mọi tình huống.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, LLVT tỉnh luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng như của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác quốc phòng - quân sự địa phương (QP-QSĐP). Là cơ quan trực tiếp tham mưu về nhiệm vụ QP-QSĐP, những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ, khả năng cơ động SSCĐ của LLVT tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chính vì vậy, năm 2017 - năm đánh dấu mốc son quan trọng trong chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (15/4/1947 - 15/4/2017).

Để hiện thực hóa các nội dung, khoa mục huấn luyện, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới cả về nội dung và phương pháp tổ chức huấn luyện. Trong đó, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng, nhiệm vụ, phù hợp với từng đơn vị, địa phương và tổ chức tác chiến, KVPT. Để công tác huấn luyện đi vào nền nếp, hiệu quả, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ công tác huấn luyện chiến đấu trước khi bước vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Để công tác huấn luyện bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chuyên sâu, sát điều kiện thực tiễn, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh tập trung chỉ đạo tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là khâu then chốt quyết định chất lượng và việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện. Cơ quan quân sự các huyện, thành, thị tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp, tập trung vào những nội dung mới, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế của từng địa bàn và nhiệm vụ của từng đơn vị cơ sở. Trong thời gian tập huấn, đội ngũ cán bộ các cấp đã được quán triệt, giáo dục những nội dung chính trị, tư tưởng và được thống nhất nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện cho từng đối tượng, thực hành viết giáo án, thông qua bài giảng tại lớp tập huấn và rút kinh nghiệm cụ thể sau mỗi bài giảng nhằm bổ sung, điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với các đối tượng. Mặt khác, các đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho huấn luyện như: Củng cố, tu sửa hệ thống thao trường, bãi tập; bổ sung, làm mới, cải tiến mô hình học cụ, các giáo cụ trực quan, trang thiết bị kỹ thuật… bảo đảm phục vụ cho công tác huấn luyện.

Trong quá trình tổ chức huấn luyện cho các lực lượng, việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức huấn luyện được chú trọng. Các đơn vị tổ chức huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu. Lực lượng dự bị động viên tiếp tục bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả” lực lượng dân quân tự vệ bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng” theo tinh thần của Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, chú trọng huấn luyện nâng cao năng lực chỉ huy tham mưu cho cán bộ dự bị động viên, cán bộ quân sự cấp cơ sở và trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong KVPT tỉnh và các huyện, thành, thị. Các đơn vị kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật; giáo dục - đào tạo gắn với huấn luyện chiến đấu, gắn huấn luyện với xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật; huấn luyện sát nhiệm vụ, phù hợp với đối tượng, địa bàn, phương án chiến đấu, lấy thực hành làm chính. Đặc biệt, các đơn vị chú trọng thực hiện tốt huấn luyện làm chủ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật được biên chế; tích cực huấn luyện dã ngoại, huấn luyện nâng cao khả năng cơ động của bộ đội.Do thực hiện tốt những giải pháp trên, chất lượng huấn luyện cho các lực lượng trong LLVT tỉnh từng bước được nâng cao; chỉ tính riêng năm 2017, 100% số xã, phường, thị trấn và đơn vị tự vệ đã hoàn thành huấn luyện dân quân tự vệ; quân số tham gia huấn luyện đạt trên 98,9%, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có đến trên 80% đạt khá, giỏi. Huấn luyện quân nhân dự bị theo kế hoạch, đặc biệt là từng bước hoàn thành mục tiêu đào tạo nguồn sĩ quan dự bị bằng nguồn ngân sách của tỉnh đạt chất lượng tốt. Chỉ đạo hai địa phương là huyện Đại Từ, T.P Sông Công diễn tập tác chiến KVPT đạt kết quả giỏi. Mặt khác, tỉnh cũng chỉ đạo, theo dõi trên 25% số xã, phường, thị trấn tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ, phòng chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn kết hợp với xây dựng và củng cố hạ tầng nông thôn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng cơ động SSCĐ của LLVT tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị trong huấn luyện; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; tích cực đổi mới chương trình, nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện, diễn tập; chú trọng huấn luyện theo tình huống, phương án tác chiến KVPT; nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập; xây dựng các phương án SSCĐ, phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; tăng cường kiểm tra, duy trì nền nếp chính quy, chấp hành điều lệnh, rèn luyện kỷ luật. Đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu; chuẩn bị chu đáo cho nhiệm vụ diễn tập tác chiến KVPT cấp tỉnh trong năm 2018...

Phát huy truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng (22/12/1944 - 22/12/2017), LLVT tỉnh Thái Nguyên nguyện tiếp tục cống hiến, xây dựng và trưởng thành, trung thành bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.