Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Nông nghiệp - PTNT diễn ra vào ngày 4-1 tại Hà Nội. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.
Năm 2017, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự chung sức của bà con nông dân, ngành Nông nghiệp - PTNT vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể: GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 13% so với năm 2016. Hết năm 2017, cả nước có 2.884 xã và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016... Đối với tỉnh Thái Nguyên, năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt trên 12.515 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 462 nghìn tấn, vượt 6% so với kế hoạch; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 91,4 triệu đồng/ha...
Năm 2018, ngành Nông nghiệp nước ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 37-38 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%...
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích những mặt còn hạn chế, khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, hoạt động hỗ trợ sản xuất, việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực mà ngành Nông nghiệp - PTNT đã đạt được trong điều kiện khó khăn. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tập trung tái cơ cấu để nâng cao giá trị sản xuất; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm an toàn hồ đập, môi trường nông thôn; điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa chăn nuôi và trồng trọt, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất; tập trung thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; thực hiện tốt việc dự báo về cung cầu thị trường để giúp người nông dân, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập....