Không cấp phép dự án sản xuất công nghiệp trong trung tâm T.P Thái Nguyên

21:37, 04/02/2018

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại T.P Thái Nguyên những năm gần đây đã có nhiều ý kiến bức xúc về việc cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Giải quyết kiến nghị của cử tri, UBND T.P Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát và bước đầu xử lý các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết không cấp phép mới đối với dự án sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực trung tâm thành phố…

Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên có cơ sở sản xuất công nghiệp là Xí nghiệp Đúc Thái Nguyên tại phường Phan Đình Phùng. Đơn vị này đã tồn tại gần nửa thế kỷ, dây chuyền sản xuất chắp vá, sử dụng nguồn nhiệt từ than nên hiệu quả kinh tế thấp. Xung quanh Xí nghiệp Đúc Thái Nguyên là dân cư đông đúc nên thường xuyên phát sinh mâu thuẫn khi phương tiện vận tải ra, vào gây cản trở giao thông, việc đốt than tạo nhiệt phát tán mùi ra không khí, tiếng ồn lớn. Do vậy, trong quá trình thu hồi đất để phát triển đô thị, UBND T.P Thái Nguyên đã tuyên truyền, vận động Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên di dời cơ sở sản xuất tại phường Phan Đình Phùng tới Cụm công nghiệp Cao Ngạn. Tại đây, doanh nghiệp được thuê 1,3ha đất “sạch” để xây dựng nhà xưởng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất từ công nghệ luyện gang dùng than tạo nhiệt sang dùng điện tạo nhiệt nên không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao mà vấn đề ô nhiễm môi trường cơ bản đã được giải quyết. Ông Lê Quang Hoà, Giám đốc Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên cho biết: Di dời tới Cụm công nghiệp Cao Ngạn là bước đột phá với doanh nghiệp. Nếu không có sự giúp đỡ của UBND tỉnh và UBND T.P Thái Nguyên, doanh nghiệp không dám thay đổi công nghệ của Nhật Bản, mở rộng quy mô sản xuất, chắc chắn đã phá sản như một số lò luyện gang thủ công ở các phường phía Nam thành phố. Hiện giờ sản phẩm gang đúc của doanh nghiệp đã được thị trường chấp nhận. Khuôn viên nhà máy sản xuất được trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ, hoa nên môi trường rất tốt.

Khi T.P Thái Nguyên thành lập Cụm công nghiệp Tân Lập, 3 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản nằm rải rác trong khu dân cư trên địa bàn đã đăng ký thuê đất để di dời vào khu công nghiệp. Sau một số năm hoạt động, các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân Lập đã sản xuất ổn định, những ảnh hưởng không mong muốn đến người dân trước đây đã được giảm thiểu. Ông Lê Minh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Thái cho biết: Nhà máy sản xuất thiết bị điện của doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp nên có khoảng cách với khu dân cư. Nhà xưởng được xây dựng hiện đại, có hệ thống cửa, vách kính để hạn chế tiếng ồn ra bên ngoài, bao quanh khu vực sản xuất chúng tôi trồng vài trăm cây xanh để tạo cảnh quan, điều hoà không khí. Cụm công nghiệp Tân Thành cũng đã được T.P Thái Nguyên quy hoạch để thu hút đầu tư và tạo điều kiện để gần chục doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, kho bãi ở các phường phía Nam thành phố đến thuê đất, đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh. Bà Vũ Thị Bích Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Việc di dời các cơ sở công nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố tới các khu, cụm công nghiệp là rất cần thiết, có hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện triệt để trong thời gian ngắn là rất khó vì điều kiện, năng lực của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn còn ở mức độ. Về phía địa phương cũng chưa bố trí đủ quỹ đất đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp và có nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với công tác này.

Qua rà soát của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, chế biến thực phẩm… gây ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, nguồn nước thải cần di dời xa khu dân cư. Cụ thể, qua các đợt quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn, tại một số khu vực các phường, như: Quang Vinh, Quán Triều, Tân Long - nơi gần kề với Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép tới 2 lần (có thời điểm hàm lượng CO và SO2 trong khí thải của Nhà máy vượt tiêu chuẩn cho phép 3 lần); tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng tới những hộ dân ở ngay bên ngoài hàng rào nhà máy. Khu vực phía Bắc T.P Thái Nguyên còn có một số đơn vị khác, như: Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ; Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Thái Nguyên… gây ô nhiễm môi trường, khu vực sản xuất tiếp giáp với khu dân cư nên phát sinh bức xúc.

Đáng ngại hơn là tại khu vực phía Nam T.P Thái Nguyên - nơi tập trung các đơn vị sản xuất công nghiệp, như: Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa; Nhà máy Tấm lợp Thái Nguyên; Nhà máy xi măng Lưu Xá, Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng… có nồng độ các chất NOx, SO2, CO đều vượt mức cho phép từ 1,8 đến 3,1 lần. Đây là những cơ sở sản xuất công nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Trong 10 năm gần đây, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên, tiến hành xử phạt hành chính. Ban lãnh đạo các cơ sở sản xuất nêu trên cũng ít nhiều có sự quan tâm, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu nồng độ ô nhiễm bụi, ô nhiễm nguồn nước tại khu vực này. Tuy nhiên, các đợt quan trắc gần đây tại một số khu vực phía Nam T.P Thái Nguyên cho thấy nồng độ khói bụi trong không khí vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép 2 lần. Bị cơ quan chức năng giám sát, xử lý về việc gây ô nhiễm môi trường, dây chuyền lạc hậu nên sản phẩm chất lượng thấp, giá thành cao, không cạnh tranh được, buộc Nhà máy xi măng Lưu Xá, Nhà máy sản xuất Tấm lợp Thái Nguyên, Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng và một số đơn vị khác phải ngừng hoạt động. Để tự cứu chính mình, các cơ sở sản xuất công nghiệp khác ở khu vực phía Nam T.P Thái Nguyên cũng đã, đang đầu tư thay thế công nghệ lạc hậu nhằm tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Qua đánh giá của UBND T.P Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường đều kết luận do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, trong đoạn từ nay đến năm 2035, T.P Thái Nguyên sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc thẩm định hồ sơ, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực trung tâm Thành phố. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường sẽ tăng cường giám sát, yêu cầu chủ cơ sở phải có biện pháp xử lý. Đặc biệt, T.P Thái Nguyên sẽ căn cứ Quyết định số 2486/QĐ/TTg ngày 20-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035 để phát triển công nghiệp trên địa bàn tập trung vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc tại 2 xã Sơn Cẩm và Cao Ngạn  (275ha). Từ đó, T.P Thái Nguyên từng bước di các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực nội thị, hình thành và phát triển khu logistic (giao vận, trung chuyển hàng hoá…) tại khu vực phía Bắc.