Phát triển nông nghiệp sạch gắn với dịch vụ du lịch

16:41, 26/02/2018

Ngày 26-2, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng một số sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Quốc Tỏ đã báo cáo với Đoàn công tác một số nội dung về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản,  xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2017. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung về sản xuất nông nghiệp như: Trong năm, tỉnh đã quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể: UBND tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm đã tổ chức Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với quy mô 5.000ha chè, 250ha lúa và 500ha rau; tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm mô hình dồn điền đổi thửa tại huyện Phú Bình với quy mô đạt 170/220ha. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%. Toàn tỉnh hiện có 68/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề xuất với Bộ Nông nghiệp - PTNT kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các vấn đề: Đề nghị chuyển đổi nhiệm vụ của hồ Núi Cốc từ "Cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, đô thị, công nghiệp, phòng chống lũ và kết hợp du lịch, nuôi trồng thủy sản" sang "Du lịch, nông nghiệp, sinh hoạt, đô thị, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ"; đề xuất xác lập lại diện tích rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan hồ Núi Cốc với quy mô khoảng 3.000ha để đảm bảo rừng có đủ tiêu chí theo quy định, phục vụ các dự án phát triển dịch vụ, du lịch và mở rộng thêm diện tích trồng chè. Về Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 154,36ha tại T.X Phổ Yên, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT thành lập Hội đồng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án để tỉnh triển khai các bước tiếp theo. Đối với Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, trước khi phê duyệt, UBND tỉnh gửi hồ sơ về Bộ xin ý kiến về giải pháp kỹ thuật. Ngoài ra, hiện tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào quý 2-2018. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ trưởng quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm năng, uy tín tham gia đầu tư các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Sau khi nghe các kiến nghị của tỉnh, các thành viên Đoàn công tác đã tham góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan như: Việc điều chỉnh cos nước hồ Núi Cốc để phục vụ du lịch phải theo lộ trình, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du không chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà còn của tỉnh Bắc Giang; tỉnh cần rà soát lại hiện trạng rừng, hiện trạng sử dụng đất tại khu vực rừng hồ Núi Cốc để đảm bảo phù hợp với thực tế...

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Thái Nguyên có rất nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh cần phát huy lợi thế thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch gắn với dịch vụ du lịch. Ngoài chè là cây trồng mũi nhọn cần tập trung phát triển các loại rau, hoa, quả đặc sản tùy theo từng vùng, miền. Cùng với đó, tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng các con đặc sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng mở rộng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm gỗ. Về các nhóm vấn đề kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận, đồng thời đề nghị các thành viên trong Đoàn tùy vào chức năng, nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho địa phương sớm hoàn thiện thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt.