Kiểm tra kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp

15:32, 22/03/2018

Sáng 22-3, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc với T.P Sông Công nhằm kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quản lý giết mổ và xây dựng nông thôn mới năm 2018 trên địa bàn.

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp 2016-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của T.P Sông Công đạt 5,95% (cơ bản đạt mục tiêu đề án); tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 56,1%; sản lượng cây lương thực có hạt đạt 24.784 tấn/năm; sản lượng rau đạt trên 12.000 tấn... Đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tính đến thời điểm này, T.P Sông Công đã có 3 mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn phường Thắng Lợi, Vinh Sơn và Bách Quang. Hiện, Thành phố đang tiếp tục thu hút đầu tư các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, có liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm đầu tư vào địa bàn, đồng thời tuyên truyền nhân dân tự đổi thửa tại 2 vùng quy hoạch sản xuất tập trung là xã Vinh Sơn và phường Cải Đan để thu hút doanh nghiệp. Về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2017, 4/4 xã của T.P Sông Công đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành phố đang tích cực triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Vinh Sơn. Dự kiến, tháng 7 tới, Thành phố sẽ tổ chức đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận T.P Sông Công hoàn thành niệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020...

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của tỉnh, Thành phố để thực hiện các mô hình sản xuất, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn, từ đó hình thành liên kết và sản xuất theo chuỗi... Trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị của Thành phố, Đoàn công tác đã đề nghị T.P Sông Công cần xem xét tính khả thi của việc dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất tập trung; rà soát những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; có kế hoạch cụ thể để hình thành khu giết mổ tập trung tại phường Lương Sơn và xã Vinh Sơn...

* Chiều 21-3, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có buổi làm việc với kiểm tra kết quả thực hiện sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2017; kế hoạch thực hiện năm 2018 tại huyện Định Hóa.

Năm 2017, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, song sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp huyện đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Cụ thể như: Diện tích chè trồng mới, trồng thay thế đạt 168,3ha, bằng 100% kế hoạch; sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 24.000 tấn, bằng 103% kế hoạch; diện tích trồng rừng đạt 1.505 ha, bằng 108 % kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7.284 tấn, bằng 108,9% kế hoạch... Bên cạnh đó, năm 2017, huyện đã có thêm 2 xã về đích NTM là Trung Hội và Phúc Chu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 5 xã...  

Năm 2018, huyện Định Hóa phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 51.400 tấn; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 81 triệu đồng; tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 24.500 tấn; diện tích trồng rừng đạt trên 1.050ha... Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020; phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn năm 2018, gồm: Thanh Định, Phú Đình và Kim Phượng... Để đạt được những mục tiêu trên, tại buổi làm việc, huyện Định Hóa đã đề nghị với Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện xây dựng các mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với 3 xã đăng ký về đích NTM năm 2018; hỗ trợ thêm kinh phí cho người dân tham gia trồng quế với định mức 10 triệu đồng/ha (hiện nay 5 triệu đồng/ha); tăng mức hỗ trợ xi măng cho các địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM... 

Kết luận buổi làm việc, Đoàn công tác đề nghị thời gian tới huyện Định Hóa cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện 4 đề án trọng tâm của ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, tập trung rà soát, thống kê các diện tích có khả năng thực hiện việc dồn điền đổi thửa để báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT làm cơ sở xây dựng Đề án dồn điền đổi thửa trên quy mô toàn tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cần sớm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của tỉnh...