Điểm số PCI năm 2017 của tỉnh Thái Nguyên tăng 2,63 điểm so với năm 2016, nhưng thứ tự trong bảng xếp hạng PCI năm 2017 lại bị tụt hạng từ vị trí số 7 xuống vị trí số 15?
Năm 2016 khu vực miền núi phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng có 04 tỉnh xếp hạng trong TOP 10 là: Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 2, Lào Cai thứ xếp 5, Thái Nguyên xếp thứ 7 và Vĩnh Phúc xếp thứ 9.
Năm 2017 hai khu vực này chỉ còn 2 tỉnh xếp trong TOP 10 là tỉnh Quảng ninh xếp thứ nhất và thành phố Hải Phòng xếp thứ 9. Các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đều bị bật khỏi TOP 10 trong bảng xếp hạng
Như vậy cuộc đua thứ hạng PCI năm 2017 trở nên cam go và quyết liệt hơn, khi mà điểm số tối thiểu để nằm trong TOP10 phải đạt 65.09 điểm, tức là tăng cao hơn so với năm 2016 tới 3.92 điểm. Còn vị trí thứ 7 năm 2017 phải đạt 65.41 điểm, tăng so với đồng hạng năm 2016 là 3.59 điểm.
Tỉnh Quảng Ninh năm 2017 đạt tổng điểm cao nhất là 70.69 điểm, tăng cao hơn năm 2016 là 5,09 điểm và cao hơn tỉnh Thái Nguyên 6.24 điểm. Tỉnh được thăng hạng từ vị trí số 2 lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng.
Thành phố Hải Phòng năm 2017 đạt tổng điểm số là 65.15 điểm, tăng cao hơn năm 2016 là 5,05 điểm, cao hơn tỉnh Thái Nguyên 0,7 điểm và có bước thăng hạng ngoạn mục từ vị trí số 21 lên vị trí số 9 trong bảng xếp hạng.
Tỉnh Lào Cai năm 2017 đạt tổng điểm số là 64,98 điểm, tăng cao hơn năm 2016 là 1,49 điểm, cao hơn tỉnh Thái Nguyên 0,53 điểm, nhưng cũng bị rớt hạng khỏi TOP 10, tụt từ vị trí số 5 xuống vị trí số 11 trong bảng xếp hạng.
Tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 đạt tổng điểm số là 64,90 điểm, tăng cao hơn năm 2016 là 3,38 điểm, cao hơn tỉnh Thái Nguyên 0,45 điểm, nhưng cũng bị bị rớt hạng khỏi TOP 10 từ vị trí số 09 xuống vị trí số 12
Thủ đô Hà Nội năm 2017 đạt tổng điểm số là 64,71 điểm, tăng cao hơn năm 2016 là 3,97 điểm, cao hơn tỉnh Thái Nguyên 0,26 điểm, về thứ bậc cũng chỉ cải thiện được 01 bậc, từ vị trí số 14 nhích lên vị trí số 13 trong bảng xếp hạng.
Tỉnh Thái Nguyên năm 2017 đạt tổng điểm số là 64,45 điểm, tăng cao hơn năm 2016 là 2,63 điểm, nhưng thấp hơn tỉnh dẫn đầu Quảng Ninh tới 6.24 điểm, thấp hơn tỉnh xếp thứ 7 (vị trí năm 2016 của Thái Nguyên) là 0.96 điểm và thấp hơn tỉnh xếp thứ 10 là 0.64 điểm. Trong xu thế sự chênh lệch điểm số PCI giữa các tỉnh ngày càng thu hẹp lại, đòi hỏi các tỉnh thực sự muốn cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng thì phải nỗ lực bứt phá để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh nhanh và mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó đặt ra mục tiêu cho Thái Nguyên năm 2018 phải tăng ít nhất 03 điểm mới tạo khoảng cách tương đối an toàn với các tỉnh còn lại và mới có cơ hội quay trở lại TOP 10. Còn nếu không cải thiện được thì nguy cơ giữ được vị trí số 15 sẽ rất khó khăn, bởi 5 tỉnh xếp hạng ngay sau Thái Nguyên bám đuổi rất sát điểm số, chỉ trong phạm vi 0.8 điểm nhưng phải phân ngôi bậc cho 05 tỉnh.
Năm 2017 mặc dù tỉnh Thái nguyên có tới 6 chỉ số tăng điểm nhưng mức tăng nhẹ. Ngoài chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp tăng được 1.1 điểm, còn lại 5 chỉ số tăng điểm đều tăng dưới 1 điểm và còn 4 chỉ số bị giảm điểm so với năm 2016. Như vậy môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh mặc dù có sự cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá tốt hơn năm trước, nhưng chưa thực sự có bước đột phá sâu rộng và toàn diện đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Kết quả đó đặt ra yêu cầu và thách thức cho chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong năm 2018 và đầu năm 2019, cần tập trung cải thiện nhanh và mạnh hơn nữa 4 chỉ số bị giảm điểm, tạo bước đột phá trong nhóm chỉ số có trọng số cao mới có thể thỏa mãn được yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư.