Để Thành phố phát triển nhanh, bền vững

09:54, 30/04/2018

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020) và hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển T.P Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại

Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVII và việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển T.P Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020 của Thành ủy Thái Nguyên mới đây cho thấy: Hơn 2 năm qua, Đảng bộ Thành phố đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng với nhiều biện pháp, cách làm chủ động, sáng tạo; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, từ đó tạo nên thành quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 15,75%; những năm còn lại (2019, 2020) dự báo sẽ hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng trên 15% theo nghị quyết đề ra; GDP bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tích đáng ghi nhận: ngày 5-10-2017, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận T.P Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Đặc biệt, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị được Thành phố xác định là một trong ba khâu đột phá quan trọng để Thành phố phát triển nhanh, bền vững. Bởi vậy, trong 2 năm 2016, 2017, Thành phố đã thu hút tổng vốn đầu tư đạt gần 40.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách bố trí trên 2.000 tỷ đồng, vốn Nhà nước ngoài ngân sách khoảng 9.500 tỷ đồng, vốn của các nhà đầu tư gần 28.000 tỷ đồng; huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên 100 tỷ đồng. Trên địa bàn Thành phố hiện có khá nhiều nhà đầu tư có uy tín thực hiện các dự án lớn như: Dự án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, do Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - CIENCO 8 thực hiện, tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng; Dự án xây dựng Nghĩa trang An Lạc Viên với tổng mức đầu tư trên 430 tỷ đồng (giai đoạn I), do Tập đoàn INDEVCO thực hiện; Tập đoàn VINGROUP đầu tư Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Plaza trên 500 tỷ đồng… Cùng với đó, Thành phố cũng đã thu hút các nguồn vốn ODA của Pháp, Bỉ, Ngân hàng thế giới với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 ước đạt trên 10.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật như: Đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng và các tuyến đường dọc sông Cầu đã và đang được triển khai, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại, đồng bộ.

Phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội giữa nhiệm kỳ và báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã được Thành phố chỉ rõ hạn chế: Tăng trưởng kinh tế đã có bước phát triển khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bởi thế, để phát triển nhanh, bền vững, T.P Thái Nguyên cũng đã đưa ra một loạt giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Thành phố chủ trương phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư  vào các dự án phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến lâm sản, nông nghiệp sạch…

Một trong những khó khăn mà Thành phố đang gặp phải đó là do nhu cầu xây dựng, chỉnh trang đô thị của Thành phố rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách lại hạn hẹp, do vậy Thành phố cần huy động mọi nguồn lực xã hội  để phát triển hạ tầng đô thị. Theo đó, Thành phố sẽ thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức và đưa ra các cơ chế phù hợp, như: Đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP); tranh thủ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới đối với các dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - T.P Thái Nguyên; thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào những lĩnh vực lợi thế của Thành phố. Hiện Thành phố cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện Đồ án điều chính Quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035; lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 45% diện tích quy hoạch chi tiết; trong đó tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết phường Chùa Hang, các xã: Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng và Đồng Liên để hoạch định, phục vụ cho đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ.

Coi cải cách thủ tục hành chính là khâu cốt lõi để tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư nên Thành phố cũng đang tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính, giai đoạn 2011-2020. Từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.