Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị bàn về công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; phân bổ kinh phí, danh mục duy tu các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày 13-4.
Toàn tỉnh hiện có gần 1.300 công trình thủy lợi, trong đó có hơn 250 hồ chứa nước lớn, nhỏ. Hiện nay, tài sản kết cấu công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được giao cho các đơn vị quản lý theo Quyết định số 2635/QĐ-UBND ngày 13-10-2010 của UBND tỉnh. Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, khai thác 82 công trình; UBND các huyện, thành, thị quản lý gần 1.200 công trình và giao cho UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, quy định này đã không còn phù hợp vì theo điều 5, Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải được giao cho cơ quan quản lý tài sản thuộc UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện quản lý. Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi đã bị xuống cấp, cần được sửa chữa, nâng cấp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt danh mục đầu tư, phân bổ nguồn vốn xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên và các huyện, thành, thị rà soát lại các công trình thủy lợi theo Nghị định số 129 của Chính phủ để phân cấp quản lý. Cùng với đó, yêu cầu tiến hành kiểm tra thực tế các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, đề xuất phương án sửa chữa, duy tu để đảm bảo việc sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đạt hiệu quả cao nhất.