Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất, đời sống dân sinh. Mùa mưa bão năm 2018 đang đến gần và được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho nhân dân để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Năm 2017 vừa qua được coi là năm của những kỷ lục về thiên tai, với 16 cơn bão, 6 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, gây thiệt hại cho cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Trong số 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền nước ta, bão số 10 và bão số 12 có cường độ rất mạnh, với sức gió cấp 11-12, giật cấp 13-14, rủi ro thiên tai gần chạm cấp độ thảm họa. Đối với Thái Nguyên, trong năm 2017 đã chịu ảnh hưởng nặng nề của 2 cơn bão (cơn bão số 2 - Talas và cơn bão số 6 Hato); 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 18 đợt mưa giông, lốc xoáy và sạt lở đất; 15 trận lũ nhỏ trên sông Cầu... Đã có 11 người bị chết (tăng 6 người so với năm 2016); 917 nhà bị tốc mái, 635 nhà bị ngập, 335 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, cây đổ và sét đánh; gần 2.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng; trên 30.000 con gia súc, gia cẩm bị chết và cuốn trôi... Ước tính thiệt hại trên 160 tỷ đồng (tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016).
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bên cạnh nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây ra những đợt mưa lũ bất thường như mưa to, lũ xuất hiện đột ngột thì sự chủ quan của các cấp, các ngành và chính người dân cũng là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra. Cung với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trang bị cho công tác phòng chống thiên tai, bão lụt tại các địa phương còn thiếu thốn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm như; bờ sông, bờ suối, khe lạch, chân núi... có nguy cơ gặp phải thiên tai bất cứ lúc nào. Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có ý thức di chuyển để bảo đảm tính mạng, tài sản của chính mình. Nguyên nhân của tình trạng chậm di chuyển là do đời sống của các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm còn gặp rất nhiều khó khăn, cộng với tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh hỗ trợ người dân di chuyển qua khu vực cầu tràn tại khu vực xã Tân Thái (Đại Từ) trong đợt mưa bão xảy ra cuối tháng 8-2017.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2018 tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường đòi hỏi các cấp, ngành và mọi người dân cần phải có sự chủ động tích cực trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân chủ động trước mùa mưa bão, tránh tư tưởng chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Cùng đó, phải có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình đê điều, hồ chứa... khi mưa lũ xảy ra; đồng thời, tăng cường kiểm tra (đặc biệt là những nơi trọng điểm), xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, hồ chứa... Xác định rõ những trọng điểm phòng chống lụt bão để chủ động phương án đối phó kịp thời, trong đó phải chuẩn bị đầy đủ, chất lượng về vật tư, phương tiện, nhân lực theo kế hoạch đã được giao, thực hiện tốt 4 tại chỗ (chỉ đạo, lực lượng, vật tư, hậu cần). Cần quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của tỉnh với phương châm được xác định là: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính” nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Về lâu dài, tỉnh cần tiếp tục rà soát, và có kế hoạch di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống về nơi định cư an toàn....
Công tác phòng phòng chống thiên tai, bão lũ không phải là việc làm mới, nhưng với điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, việc chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, nhằm bảo vệ tốt hơn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, sự chủ động và ý thức tự giác của người dân cũng sẽ góp phần hạn chế đáng kể những thiệt hại do thiên tai gây ra.