Trong 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016, Thái Nguyên xếp trong TOP10 bảng xếp hạng PCI. Năm 2014 xếp thứ 8, năm 2015, 2016 đều xếp thứ 7, là thứ hạng cao trong bảng xếp hạng. Nhưng đến năm 2017 lại bị tụt xuống vị trí thứ 15, mặc dù điểm số PCI tăng lên 2,63 điểm so với năm 2016.
Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên năm 2018 quay trở lại xếp vào TOP10 trong bảng xếp hạng PCI. Để đạt được mục tiêu đó thì điểm số PCI năm 2018 phải đạt thấp nhất là 67,67 điểm tăng 4,47 điểm so với năm 2017; phải đưa ra những giải pháp đột phá để khắc phục những tồn tại về môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp, cải thiện tốt hơn, cạnh tranh hơn và luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối chiếu với bộ câu hỏi trong phiếu khảo sát doanh nghiệp và so sánh điểm số với các năm trước của 10 chỉ số thành phần, Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành nghiên cứu nội dung câu hỏi trong phiếu khảo sát doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất khắc phục tồn tại, đưa ra các giải pháp cải thiện tốt hơn, cạnh tranh hơn trong môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư cho doanh nghiệp theo điểm số của từng chỉ số thành phần như sau:
1. Chỉ số gia nhập thị trường
Mục tiêu điểm số chỉ số này cần đạt 8,84 điểm bằng số điểm đạt được năm 2015 và tăng cao hơn năm 2017 là 1,57 điểm. Điểm số của chỉ số này năm 2011 đã đạt 9,16 điểm là năm đạt điểm cao nhất.
2. Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất
Mục tiêu chỉ số này cần đạt 6,67 điểm bằng điểm số đạt được của năm 2015 và tăng cao hơn năm 2017 là 0,22 điểm. Trong 2 năm 2016, 2017 chỉ số này đều bị giảm điểm.
3. Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin
Mục tiêu của chỉ số này cần đạt 6,57 điểm bằng điểm số đạt được của năm 2015 và tăng cao hơn năm 2017 là 0,26 điểm. Trong 2 năm 2016, 2017 chỉ số này đều bị giảm điểm. Năm 2018 phải quyết tâm lấy lại điểm chỉ số bằng và cao hơn năm 2015.
4. Chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước
Mục tiêu của chỉ số này cần đạt 6,74 điểm bằng điểm số đạt được của năm 2015 và tăng cao hơn năm 2017 là 0,57 điểm. Chỉ số này nhiều năm đạt điểm số khá cao nhưng trong 2 năm 2016, 2017 lại bị giảm điểm.
5. Chỉ số chi phí không chính thức
Mục tiêu của chỉ số này cần đạt 5,94 điểm tăng cao hơn năm 2017 là 0,28 điểm và điểm của chỉ số này năm 2012 đã đạt được 7,24 điểm là năm đạt điểm cao nhất.
6. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng
Mục tiêu của chỉ số cần đạt 5,42 điểm là rất khiêm tốn và tăng cao hơn năm 2017 là 0,26 điểm, điểm của chỉ số này các năm qua đều đạt thấp.
7. Chỉ số tính năng động
Mục tiêu của chỉ số này cần đạt 6,35 điểm tăng cao hơn năm 2017 là 0,30 điểm và điểm của chỉ số này các năm qua đều đạt rất thấp.
8. Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Mục tiêu điểm số của chỉ số này cần đạt 6,30 điểm tăng cao hơn năm 2017 là 0,30 điểm và điểm của chỉ số này các năm qua đều đạt rất thấp.
9. Chỉ số đào tạo lao động
Mục tiêu điểm số của chỉ số này cần đạt 8,08 điểm tăng cao hơn năm 2017 là 0,38 điểm và điểm của chỉ số này 4 năm liên tục đều tăng và đạt điểm cao.
10. Chỉ số thiết chế pháp lý- ANTT
Mục tiêu điểm số của chỉ số này cần đạt 6,75 điểm tăng cao hơn năm 2017 là 0,32 điểm. Điểm của chỉ tiêu này trong những năm qua đạt không cao.
Đạt được mục tiêu trên cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh. Hiệp hội doanh nghiệp xin kiến nghị tiếp như sau:
Một là, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nâng Chỉ thị 19 thành Nghị quyết chuyên đề, để huy động cả hệ thống chính trị toàn tỉnh vào cuộc cải thiện toàn diện môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư cho doanh nghiệp tốt hơn, cạnh tranh hơn.
Hai là, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các cấp chính quyền thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không chỉ là đối tượng quản lý; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua kiến nghị từ Hiệp hội, các Hội và doanh nghiệp.
Ba là, đề nghị Ban chỉ đạo PCI giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Giám đốc sở, ban ngành, các cấp chính quyền nghiên cứu các câu hỏi trong phiếu khảo sát doanh nghiệp và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp để tham mưu đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại trong từng chỉ số thành phần và cải thiện tốt hơn, cạnh tranh hơn môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.
Bốn là, đề nghị các Hiệp hội, các Hội Doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực thi của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan chức năng của tỉnh, phản ánh tâm tư nguyện vọng, các vướng mắc của doanh nghiệp đến các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Truyền tải thông tin của tỉnh về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư tới cộng đồng doanh nghiệp. Động viên các doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm cao khi nhận được phiếu khảo sát doanh nghiệp do VCCI gửi tới.
Năm là, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nâng cao văn hóa kinh doanh, nâng cao quản trị doanh nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao cùng với UBND tỉnh, xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp khi nhận phiếu khảo sát PCI cần điền đúng, đủ, chính xác các thông tin và gửi kịp thời về VCCI theo đúng thời gian qui định.
Với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên tốt hơn, cạnh tranh hơn. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững hơn; đồng thời tỉnh cũng hưởng lợi huy động tối đa được nguồn nội lực của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tạo thêm được việc làm cho xã hội, tăng thu ngân sách… Như vậy, sẽ góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp giàu mạnh và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia./.