Ngày 8-5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo đề cương cuốn sách viết về Đại đội TNXP 915. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, các nhà sử học, cựu TNXP bày tỏ mong muốn cuốn sách sớm được xuất bản như một hành động tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ TNXP. Báo Thái Nguyên trân trọng đăng tải lược ghi một số ý kiến đó.
Một thông điệp của lịch sử
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Việc biên soạn cuốn sách lịch sử và các tác phẩm văn học nghệ thuật về Đại đội 915, Đội TNXP 91 tỉnh Bắc Thái là chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy. Cuốn sách lịch sử dự kiến gồm ba chương, với tổng số trên 100 trang. Với chủ đề ca ngợi những đóng góp, công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ TNXP thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuốn sách là nghĩa cử tri ân, vừa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ con cháu với lớp người đi trước, cũng đồng thời là thông điệp quý báu, là địa chỉ đỏ giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người quê hương Thái Nguyên Anh hùng với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cần rõ ràng, chính xác
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng Ban Khoa học lịch sử, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Trước đây, công việc của tôi có liên quan đến hầu hết các sự kiện mang tính lịch sử diễn ra trên địa bản tỉnh. Bản thân tôi đã gặp được hầu hết các cựu TNXP và thân nhân liệt sĩ TNXP Đại đội 915. Đến nay, đã có nhiều cuốn sách, nhiều bài báo viết về Đại đội TNXP 915, song có nhiều chỗ chưa rõ, chưa chính xác. Tôi kiến nghị khi thực hiện biên soạn cuốn sách, các thành viên trong tổ biên soạn làm rõ nơi hy sinh của các liệt sĩ TNXP Đại đội 915, ngày 24-12-1972; chỉnh sửa lại chính xác tên các đồng chí trong Ban Chỉ huy Đại đội; họ và tên TNXP, ngày hy sinh... Vì cuốn sách lích sử sau khi phát hành sẽ là một tư liệu quý cho các thế hệ mai sau.
Nên lựa chọn văn phong, cách thể hiện mềm dẻo
Phó Giáo sư, Tiến sĩ lịch sử Đỗ Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên): Hơn 60 TNXP cùng ngã xuống trong một trận bom, một sự kiện bi hùng có một. Từ trước tới nay chúng ta đã có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa với các liệt sĩ, nhưng có lẽ chưa xứng với sự hy sinh này. Tôi cho rằng cuốn sách lịch sử do tỉnh chỉ đạo sẽ thực sự là sự tri ân, báo đáp với các anh chị liệt sĩ TNXP. Song để chuyển tải những thông điệp trung thực, khách quan, phù hợp với quan điểm chính trị về sự kiện này, theo tôi nên lựa chọn phong cách thể hiện mềm dẻo, dễ đi vào lòng người. Qua đó sẽ dễ dàng hơn khi thể hiện đúng với bối cảnh lịch sử, đúng giá trị, sự hy sinh anh dũng của các TNXP trong thời điểm khốc liệt ấy.
Quan tâm, giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP
Bà Đặng Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Bắc Kạn: Tôi trực tiếp tham gia các tổ công tác của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đi sưu tầm tài liệu phục vụ cuốn sách về Đại đội 915. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bản thân các TNXP và gia đình đều rất phấn khởi.
Với vai trò là đại diện TNXP, tôi đề nghị thông qua buổi Hội thảo lần này sẽ xác minh nguồn thông tin một cách chính xác hơn, sớm thống nhất một số điểm như: Tên tuổi không trùng khớp, phần mộ liệt sĩ… Đồng thời đề nghị các chính quyền và các cơ quan chuyên môn sớm tạo điều kiện, giải quyết chế độ chính sách cho TNXP, nhất là những người đã bị thương trong ngày định mệnh ấy (24/12/1972) ở khu vực Ga Lưu Xá.
Mong cuốn sách sớm được xuất bản
Ông La Xuân Hồng, tiểu khu 6, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn: Tôi tham gia TNXP từ tháng 7-1972, được biên chế tại Đại đội 915. Khoảng 1 tháng sau đó thì lãnh đạo có quyết định chuyển tôi về làm y sĩ của Đội TNXP 91. Sau sự kiện Đế quốc Mỹ ném bom xuống khu vực Ga Lưu Xá ngày 24/12/1972, tôi và nhiều đồng đội được trực tiếp tham gia ứng cứu. Sau hơn 40 năm được gặp lại những đồng đội khi xưa, cùng ôn lại kỷ niệm và tham gia buổi Hội thảo này tôi rất xúc động. Đây là một việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Tôi mong cuốn sách sẽ sớm hoàn thiện và phát hành để mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu được những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh, từ đó biết trân trọng giá trị quý báu của nền hòa bình, độc lập dân tộc.
Tri ân bằng những việc làm thiết thực
Bà Trần Thị Chu, xóm La Dạ, xã Bản Ngoại (Đại Từ): Tôi gia nhập lực lượng TNXP từ tháng 7-1969, trực tiếp làm công tác tuyển quân tại các địa phương trong địa bàn tỉnh Bắc Thái. Cuối tháng 5-1972,
tôi được phân công phụ trách Đại đội 915 với vai trò là Đại đội phó, Bí thư Đoàn Thanh niên, quản lývề
nhân lực.
Thời điểm sự kiện ngày 24/12/1972 tôi đã chuyển công tác nên không tham gia. Nghe tin rất nhiều đồng đội hy sinh tôi cảm cảm giác rất đau xót, đã ước mình vẫn còn ở đơn vị để có thể sát cánh cùng anh chị em. Được gặp đồng đội và tham gia ý kiến tại buổi Hội thảo lần này là cơ hội rất quý, tôi mong muốn bên cạnh việc làm sách, tôn tạo khu di tích về Đại đội 915 thì chính quyền và ngành chuyên môn có sự quan tâm thiết thực hơn nữa về đời sống của các cựu TNXP.
Còn nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn
Ông Phạm Ngọc Chuẩn, phóng viên Báo Thái Nguyên: Tham gia vào tổ công tác đi sưu tầm tài liệu phục vụ xuất bản cuốn sách viết về Đại đội 915, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần quên mình khi thực hiện nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc.
Với trách nhiệm xã hội của người làm báo, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để cùng với các đồng chí, đồng nghiệp tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phục vụ xuất bản cuốn sách theo chỉ đạo của cấp trên. Bằng khả năng chuyên môn của mình, tôi sẽ đóng góp những tác phẩm báo chí tâm huyết, có chất lượng về khúc tráng ca bất tử của Đại đội 915 Anh hùng ngày ấy.