Giám sát bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp

16:32, 21/08/2018

Ngày 21-8, Đoàn công tác do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Văn Hùng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Khắc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta hiện có 6 KCN, trong đó có 4 KCN hoạt động, gồm: KCN Yên Bình, KCN Sông Công I, KCN Điềm Thụy, KCN Lệ Trạch và 2 KCN chưa hoạt động là KCN Quyết Thắng và KCN Sông Công II. Trong đó, KCN Sông Công I, KCN Điềm Thụy và KCN Yên Bình đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; đã lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động; còn KCN Lệ Trạch chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện, toàn tỉnh có 188 dự án đầu tư vào các KCN với số vốn đăng ký đầu tư 7,061 tỷ USD và trên 14.500 tỷ đồng, trong đó có 121 dự án đã đi vào hoạt động. Trong tổng số 121 dự án đang hoạt động, mới có 59/65 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và 37/56 dự án được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số nội dung có liên quan như: Một số dự án đi vào hoạt động nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, số đơn vị phải xác lập kế hoạch bảo vệ môi trường còn thấp; KCN Lệ Trạch chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải; chưa có quy chế phối hợp giám sát, bảo vệ môi trường giữa các cơ quan liên quan; tỷ lệ che phủ cây xanh trong một số khu công nghiệp còn thấp; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; công tác thu gom, xử lý chất thải của một số đơn vị chưa đúng quy định...

Về phía tỉnh cũng có đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến điều kiện kinh doanh để thống nhất với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về quy định yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên sớm ổn định sản xuất...

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Xuân Dũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai các quy định pháp luật quản lý bảo vệ môi trường trong KCN. Đồng chí yêu cầu tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu về một số hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp và hoàn thiện báo cáo xong trước ngày 10-9. Đồng thời yêu cầu thời gian tới, tỉnh cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như sản xuất thép, giấy, hóa chất trên địa bàn tỉnh. Đối với một số kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu và tổng hợp gửi đến Quốc hội xem xết, giải quyết.