Đại hội Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của giai cấp nông dân trong toàn tỉnh. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã ghi lại một số ý kiến, tâm tư của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đối với Đại hội.
Lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực
Đoàn Văn Viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tức Tranh (Phú Lương |
Hội Nông dân là tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp nông dân, có vai trò đại diện và phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; phát huy vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tôi hy vọng Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành gồm những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ trình độ, năng lực, có nhiệt huyết, uy tín trong nông dân, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của người nông dân; có khả năng lãnh đạo, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức chức sản xuất hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và các phong trào nông dân trong giai đoạn mới. Đồng thời, tôi mong muốn Đại hội đề ra những quyết sách, giải pháp đúng đắn, đồng bộ để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, từ đó tổ chức các phong trào, chương trình hành động có tính sâu rộng, bền vững và hiệu quả cao.
Xây dựng nông nghiệp, nông dân trong thời đại mới
Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình |
Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận các thành tựu, công nghệ mới vào sản xuất; đưa tri thức đến với người nông dân, hình thành đội ngũ nông dân giàu tri thức và có tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp tiên tiến. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo đà để nông dân Thái Nguyên, nông dân Việt Nam đến gần hơn với nông dân các nước tiên tiến về trình độ sản xuất và năng suất lao động, xây dựng người nông dân trong thời đại mới - thời đại nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.
Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân
Trương Thị Chua, hội viên nông dân tiêu biểu xã Tân Long (Đồng Hỷ) |
Công tác nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, dư luận của hội viên, nông dân có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, cán bộ Hội các cấp cần bám cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để có những ý kiến, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, Hội nông dân cấp trên nhằm tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bà con trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các cấp Hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nông dân ngay từ cơ sở. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ đó giúp hội viên, nông dân tiếp cận đúng với chính sách, pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt
Đoàn Xuân Dương, hội viên nông dân xã Phú Đình (Định Hóa) |
Sinh hoạt chi, tổ Hội là hình thức thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Do đó theo tôi, để thu hút, tập hợp nông dân tham gia sinh hoạt và tích cực tham gia các hoạt động phong trào Hội thì trước tiên cần chú trọng nâng cao chất lượng chi, tổ Hội. Trong đó cần chú trọng đổi mới phương thức sinh hoạt, đa dạng hóa nội dung, tập trung hướng đến những vấn đề nông dân đang có nhu cầu tìm hiểu, trao đổi như: Thông tin thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Bên cạnh đó, việc lồng ghép các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, giao lưu giữa các chi, tổ Hội sẽ tạo thêm sự gắn kết giữa các hội viên, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, nông dân.
Đẩy mạnh hỗ trợ về vốn và liên kết tiêu thụ sản phẩm
Đỗ Thị Thúy, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) |
Để những hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tôi nghĩ các cấp Hội cần tăng cường các giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là hỗ trợ về vốn và khâu tiêu thụ sản phẩm. Bởi, có vốn mới có thể đầu tư sản xuất ở quy mô lớn và tập trung. Đồng thời, tổ chức Hội cũng như hội viên, nông dân cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội nên thường xuyên dự báo thị trường tiêu thụ, giá cả hàng hóa theo tháng hoặc theo mùa để người dân, doanh nghiệp chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần bình ổn thị trường, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; tạo điều kiện để các hộ sản xuất trên cùng một lĩnh vực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết để cùng sản xuất.