Tuy đã có những chuyển biến tích cực, song công tác cải cách hành chính (CCHC) tại các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Ở một số lĩnh vực, các thủ tục hành chính (TTHC) chưa thực sự tinh gọn, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa thật sự gần dân, sát dân và vì dân phục vụ.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, năm 2017, chỉ số CCHC tỉnh xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2016. Đây là kết quả phản ánh sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đối với công tác CCHC. Nhiều nội dung, tiêu chí được cải thiện đáng kể so với năm trước và lọt vào tốp 10 như: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; hiện đại hóa hành chính… Đặc biệt, Thái Nguyên xếp thứ 3 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận kết quả trên vẫn còn thiếu tính bền vững. Cụ thể: Năm đầu tiên (năm 2012), Thái Nguyên xếp hạng chỉ số CCHC vị trí 26/63 tỉnh, thành; năm 2013, tụt 12 bậc, xếp vị trí 38; năm 2014, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc so với năm 2013; năm 2015, bứt phá lên vị trí 22 và năm 2016 tụt xuống xếp thứ 54, giảm tới 32 bậc so với năm 2015.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh trong nhiều cuộc họp đều yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương cần nghiêm túc đánh giá đúng thực trạng công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm tổ chức thực hiện tốt. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh cần đề xuất các giải pháp để nâng cao, cải thiện thứ hạng các chỉ số; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thực hiện việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại cấp xã; tăng cường việc kiểm tra, giám sát nhiệm vụ CCHC tại các ngành, các địa phương cũng như việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thực tế tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Mỏ Chè, T.P Sông Công, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban Dân tộc tỉnh…, chúng tôi nhận thấy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, quyết liệt, toàn diện trên cả 3 mặt cải cách thể chế, bộ máy và TTHC đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong CCHC.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy công tác này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án CCHC Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh thực hiện còn chậm, một số nội dung chưa đạt yêu cầu theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, nhất là nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính. Một số TTHC được ban hành quyết định công bố chậm hoặc chưa ban hành trong khi các cơ quan Trung ương đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ như một số TTHC thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tư pháp.
Kết quả tiếp nhận hoặc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao, chỉ đạt xấp xỉ 3,6% tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận, phần lớn tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm xã hội, công an, giáo dục và đào tạo. Chưa thực hiện thông báo về trễ hẹn hoặc gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân do quá hạn giải quyết.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại nhiều đơn vị chưa đảm bảo, đặc biệt là ở cấp xã; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu của kiến trúc chính quyền điện tử. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt dẫn đến bị kỷ luật. Trong 2 năm (2016, 2017) đã có 71 cán bộ, công chức các cấp vi phạm phải xử lý kỷ luật; quý I/2018, có 17 cán bộ, công chức các cấp vi phạm phải xử lý kỷ luật…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát cho rằng: Kết quả CCHC năm 2017, 2018, của tỉnh đã có sự bứt phá, thể hiện sự quan tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung cần rút kinh nghiệm để sớm khắc phục. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020”; có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hoặc lựa chọn nộp hồ sơ TTHC hoặc nhận kết quả giải quyết thông qua dịch vụ bưu chính công ích…