Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình của ngày làm việc thứ 3 kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XIII, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh đã làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã ghi lại một số nội dung.
*Đối với các vấn đề được chất vấn và trả lời chất vấn
Tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh
Về chất vấn của ĐB Lê Thị Thúy Nguyên (Tổ Phú Lương) yêu cầu tỉnh cho biết những giải pháp chủ yếu đã triển khai trong năm 2018 để đạt được chỉ tiêu tăng 2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh? Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Năm 2018, mục tiêu tăng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 89% lên 91% đã hoàn thành (tương đương tăng 4.321 hộ). Để có được kết quả này, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án như: Xây dựng nông thôn mới, mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) và hỗ trợ nước sinh hoạt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong năm, đã có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung được đưa vào sử dụng ở các địa phương: Xã Hòa Bình (Đồng Hỷ); 2 xã Tức Tranh và Cổ Lũng (Phú Lương), xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Tính đến cuối năm 2018, tổng số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 192.284. Một số địa phương đạt tỷ lệ cao như: T.P Sông Công (99,6%); huyện Đại Từ (94,7%); T.X Phổ Yên (94,3%)...
Tăng cường phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Về chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ T.X Phổ Yên) về giải pháp để đẩy nhanh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường sự phối hợp với các ngành chức năng và các huyện, thành, thị của tỉnh tổ chức thực hiện Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện các điều kiện để Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên). Đồng thời, Sở sẽ sớm hoàn thiện việc thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Xây dựng Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại T.P Thái Nguyên; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong khâu sản xuất giống, quy trình sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, để nâng cao giá trị sản phẩm; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xây dựng kết cấu hạ tầng, vay tín dụng… Qua đó, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thay đổi phương án đấu thầu thuốc
Về chất của ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) về việc mới đây, kết luận của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế tại tỉnh giai đoạn 2015-2017; nguyên nhân và trách nhiệm của ngành Y tế, ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế trả lời: Trước năm 2017, công tác mua sắm, quản lý thuốc, vật tư y tế thực hiện tập trung tại Sở Y tế, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu sử dụng. Từ năm 2017, công tác này do Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) và các đơn vị y tế tiến hành. Do các đơn vị này chưa quen với thủ tục, trình tự pháp lý nên còn lúng túng dẫn đến khó khăn cho quá trình thẩm định, khiến các gói thầu thực hiện chậm, nên xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất. Để khắc phục, Sở Y tế đang xây dựng phương án đề xuất với UBND tỉnh: Đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương vẫn tiếp tục giao Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản hoàn thiện, khắc phục các tồn tại để thực hiện theo quy định; đối với thuốc ngoài danh mục thuốc tập trung cấp địa phương, giao một đơn vị y tế tổ chức đấu thầu tập trung; đối với thuốc đơn vị cần mua gấp nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ cho hoạt động chuyên môn, đề nghị phân cấp theo hạn mức quy định về mua sắm thường xuyên. Nếu xảy ra vi phạm trong quá trình đấu thầu thuốc tại các đơn vị y tế, giám đốc đơn vị đó phải chịu trách nhiệm chính. Ngành Y tế cũng xin nhận trách nhiệm về việc chậm khắc phục những tồn tại trong việc chưa đưa vào sử dụng, đưa vào sử dụng chậm, khai thác chưa đủ công suất thiết kế của một số thiết bị y tế.
*Đối với các nội dung giải trình
Giải trình nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng, giải thể doanh nghiệp tăng cao, ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Tính đến hết tháng 11-2018, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng là 230, tăng 36,9%; số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc giải thể là 164, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là thực trạng chung của cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Về khách quan, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do khiến sức ép cạnh tranh ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp trong nước, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai và đây cũng là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường đối với doanh nghiệp yếu… Về nguyên nhân chủ quan là do phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại, năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tính đổi mới sáng tạo… khiến nhiều doanh nghiệp thành lập xong không có việc làm, dẫn đến giải thể, phá sản, ngừng kinh doanh.
Làm rõ khả năng thực hiện mục tiêu trước năm 2020 tỉnh tự đảm bảo được thu, chi, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính viện dẫn: Nghị quyết số 03/NQ/ĐH của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có nêu: Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh tự cân đối thu, chi ngân sách. Kết quả của những năm vừa qua cho thấy, thu, chi ngân sách của tỉnh đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách địa phương; cơ cấu chi đầu tư/chi thường xuyên năm sau cao hơn năm trước, phản ánh hướng tích cực trong tiết kiệm ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển. Năm 2017, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vượt so với dự toán Trung ương giao là 4.029 tỷ đồng, trong đó thu nội địa vượt 3.461 tỷ đồng (số bổ sung cân đối cho tỉnh là 2.045 tỷ đồng). Với kết quả này, có thể nói, năm 2017, bản chất tỉnh đã cơ bản tự cân đối được ngân sách. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách năm 2015 thì tỉnh Thái Nguyên được Trung ương bổ sung cân đối hết thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 theo quy định. Dự toán ngân sách năm 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 15 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 14.876 tỷ đồng, nếu tính cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn thì tỉnh cũng đã đạt được thì tổng thu ngân sách cao hơn tổng chi ngân sách địa phương.
Về giải pháp xử lý dứt điểm đối với các doanh nghiệp nợ thuế, theo ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Theo quy định đối với các đơn vị nợ thuế, ngoài biện pháp đôn đốc thu nợ thuế như: Gọi điện thoại, gửi thư điện tử, gửi thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc nợ thuế… thì ngành Thuế tỉnh còn thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế vào ngân sách Nhà nước, theo thứ tự: Trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập doanh nghiệp. Cục Thuế tỉnh đang quyết liệt triển khai các biện pháp theo quy định, để đảm bảo đến 31/12/2018, số nợ không vượt quá 5% trên tổng thu ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện nay, theo quy định, chỉ có doanh nghiệp trốn thuế mới bị xử lý hình sự, còn các doanh nghiệp nợ thuế thì không.
Trước phản ánh của cử tri về chất lượng điện tại 20 hợp tác xã điện trên địa bàn tỉnh không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, đề nghị có giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngày 28/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý và chất lượng điện của các HTX dịch vụ điện. Qua kiểm tra cho thấy, chất lượng điện do một số HTX dịch vụ điện quản lý chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nguyên nhân là tại một số xã, điện nhận vào giờ cao điểm chưa đảm bảo chất lượng do trạm biến áp đầy tải, vào giờ cao điểm phụ tải tăng đột biến; khoảng cách cấp điện từ trạm biến áp đến hộ dân nhiều nơi còn quá xa, có nơi hơn 3km, gây sụt áp trên đường dây nên không đảm bảo chất lượng điện năng. Để khắc phục, Đoàn liên ngành đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp và được UBND tỉnh đồng ý, chỉ đạo tại Văn bản số 4764/UBND-TH ngày 20/11/2018. Theo đó, giao Sở Công Thương phối hợp với Ban Quản lý Năng lượng nông thôn II, Liên minh HTX, các sở, ngành và địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ quản lý cho các HTX điện; UBND cấp huyện tăng cường hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể, trong đó có HTX điện. Đồng thời, yêu cầu Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện các giải pháp chống quá tải, như xây thêm các trạm biến áp, nâng công suất các trạm hiện có, bán buôn điện cho các HTX theo đúng quy định.
Trong khi trên thực tế, các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015 vẫn còn nhiều xã nợ tiêu chí, nhưng UBND tỉnh lại báo cáo không còn xã nào nợ tiêu chí? Giải trình nội dung này, theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Đến thời điểm thẩm định xã đạt chuẩn NTM, một số xã còn một số công trình xây dựng cơ bản như trường học, chợ, nhà văn hóa… chưa hoàn thiện nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Nguyên nhân do việc phân bổ vốn chậm và phải làm theo quy trình của Luật Đầu tư công nên một số công trình lớn chưa đủ thời gian để hoàn thiện. Tuy nhiên, các công trình này đều đã được bố trí đủ vốn và sẽ hoàn thiện sau từ 2 đến 6 tháng, cho nên các xã chỉ nợ về thời gian hoàn thành công trình chứ không nợ tiêu chí. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 68 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, giai đoạn 2011-2015 có 40 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, do thang đánh giá tiêu chí NTM giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước nên nhiều tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn trong giai đoạn 2011-2015 đến nay lại không đạt chuẩn của giai đoạn 2016-2020. Do đó, các xã này sẽ phải tiếp tục xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thì mới đáp ứng được theo quy định của giai đoạn mới.