Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của 2 ban này diễn ra chiều 21-1.
Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138, 389 của tỉnh và các thành viên của 2 Ban Chỉ đạo tỉnh (ảnh).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong năm qua, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội và Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017 (trong năm, cả nước xảy ra 53.240 vụ); tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 82,32%; hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra, làm rõ; phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma tuý, môi trường...
Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý xấp xỉ 203 nghìn vụ việc vi phạm, giảm 10% so với cùng kỳ 2017, thu nộp ngân sách nhà nước trên 20 nghìn tỷ đồng, qua đó đã khởi tố gần 2 nghìn vụ, với 2.339 đối tượng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã đưa ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2019.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo 8 bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ những vụ việc nổi cộm, được dư luận cả nước quan tâm; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất giải pháp nhằm giúp hoạt động của 2 Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó có việc cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, vì hiện nhiều quy định của luật đang tạo kẽ hở, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý vi phạm; vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc; ý thức thực thi nhiệm vụ ở một số nơi bị buông lỏng; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, một số nơi còn mang tính cục bộ…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận những kết quả mà 2 Ban Chỉ đạo đã làm được trong năm 2018, đồng thời nhấn mạnh: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà 2 Ban đã chỉ ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phải phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị để từng bước đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại cũng như trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; làm tốt công tác dự báo tình hình, công tác phòng ngừa, tố giác các loại tội phạm; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân; kiên quyết đấu tranh với các tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện việc điều chuyển, thay thế, kỷ luật đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm…