Thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU và Kế hoạch số 79-KH/TU của Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ủy Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã ban hành nghị quyết về thực hiện đổi mới, tái cấu trúc hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy. Sau một thời gian nỗ lực triển khai cho thấy bộ máy các nhà trường đã từng bước được tinh gọn, giảm số đầu mối, biên chế, chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng lên.
Trao đổi cùng chúng tôi, GS-TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN cho biết: Đảng bộ ĐHTN hiện có 11 đảng bộ cơ sở và 1 đảng bộ bộ phận phận với 183 chi bộ trực thuộc, trên 3.100 đảng viên, trong đó số đảng viên là cán bộ, công chức chiếm gần 2.700 người, còn lại là sinh viên.
Thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, Kế hoạch số 79-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ủy ĐHTN đã ban hành nghị quyết thực hiện đổi mới, tái cấu trúc hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy; thành lập ban chỉ đạo đề án, ban soạn thảo đề án thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đảng ủy ĐHTN đã thành lập Tổ nghiên cứu và xây dựng Đề án Sắp xếp, tái cấu trúc lại bộ máy tổ chức của đơn vị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Đề án Vị trí việc làm gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương Đảng khóa XII. Mục tiêu đề ra đến năm 2021 tối thiểu giảm 10% đầu mối và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy ĐHTN, các cấp ủy cơ sở đã bước đầu thực hiện có hiệu quả Đề án Sắp xếp lại tổ chức, bộ máy. Trao đổi cùng chúng tôi, GS-TS Nguyễn Duy Hoan, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin (CNTT), cho biết: Đề án được triển khai nhằm khắc phục các hạn chế của hệ thống tổ chức hiện nay tại ĐHTN, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt về hệ thống tổ chức bộ máy từ đại học xuống các đơn vị trực thuộc, tạo thuận lợi, tiết kiệm trong khâu quản lý điều hành công tác. Đối với Trung tâm Học liệu, chúng tôi đã xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập Trung tâm Học liệu với Trung tâm CNTT. Trên thực tế, 2 trung tâm có những nhiệm vụ tương đồng và liên quan chặt chẽ với nhau. Trung tâm Học liệu và thư viện các đơn vị trực thuộc là mô hình thư viện điện tử đã áp dụng triệt để CNTT tin từ khâu xây dựng, quản lý điều hành… Chính vì vậy tại các cơ sở giáo dục thành viên đã sáp nhập thành một đơn vị chung đó là Trung tâm (Phòng) CNTT và Thư viện. Mặt khác, việc sáp nhập 2 trung tâm tại ĐHTN sẽ đảm bảo thống nhất trong toàn đại học, giúp tinh gọn đầu mối, tạo thuận lợi cho công tác điều hành lĩnh vực CNTT, thư viện không chỉ tại ĐHTN mà cho tất cả các cơ sở giáo dục thành viên và các đơn vị trực thuộc.
Trong những năm qua, Trung tâm Học liệu và Trung tâm CNTT có rất nhiều hoạt động chung, như: Là đầu mối trong thiết kế và triển khai các giải pháp về CNTT, các giải pháp thư viện/thư viện số đối với các đơn vị thành viên; hai trung tâm đã phối hợp trong việc xây dựng mạng cáp quang trong toàn đại học; phối hợp triển khai Dự án: “Xây dựng bài giảng E-Learning góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên” do Trung tâm Học liệu làm chủ đầu tư; phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và củng cố các tiêu chí nâng cao xếp hạng ĐHTN.
Quá trình sáp nhập và tái cấu trúc này với mục tiêu tận dụng tối đa hệ thống cơ sở vật chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảm bớt đầu mối quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi ngân sách. Việc sáp nhập 2 đơn vị là Trung tâm Học liệu và Trung tâm CNTT thành 1 đơn vị là Trung tâm Học liệu và CNTT đã tổ chức lại số lượng 5 phòng giảm xuống còn 3 phòng với tổng số 57 cán bộ, viên chức (CBVC), giảm được 6 người so với trước khi sắp xếp. Sau 5 tháng thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tuy số lượng đầu mối, con người đều giảm song mọi nhiệm vụ của Trung tâm Học liệu và CNTT đều được triển khai bài bản, nề nếp, chất lượng, hiệu quả một số nhiệm vụ có bước phát triển nhất định…
Ngoài Trung tâm Học liệu và CNTT được sắp xếp, cấp ủy các trường thành viên của ĐHTN đã tích cực thực hiện nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Thực tế tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy Nhà trường đã rất nỗ lực trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường: Bám sát Đề án, Kế hoạch của Tỉnh ủy, nghị quyết của Đảng ủy ĐHTN, Nhà trường đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, con người. Năm 2018, đã sắp xếp giảm 13 bộ môn trực thuộc khoa, giảm 46 cán bộ, viên chức. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tiếp tục sắp xếp các khoa, phòng, tiến tới thành lập tổ hợp các khoa tự nhiên và xã hội. Cụ thể 3 khoa của khối tự nhiên sẽ sáp nhập thành Khoa Giáo dục khoa học tự nhiên; 2 khoa khối xã hội sẽ thành Khoa Khoa học giáo dục xã hội (giảm được 3 khoa); từ 9 phòng hiện nay sẽ giảm xuống còn 6 phòng; tiếp tục rà soát để bố trí lại đội ngũ cán bộ, viên chức cho phù hợp, thực hiện nghiêm túc việc giảm 10% chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách đến năm 2021.
Ngoài Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, các đơn vị thành viên của ĐHTN đã rất nỗ lực trong việc sắp xếp, tinh giản biên chế. Tiêu biểu như Trường Đại học Khoa học đã tiến hành sắp xếp giảm 4 bộ môn trực thuộc khoa, giảm 9 CBVC; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên giảm 1 đơn vị đầu mối, giảm 14 CBVC; Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông giảm 4 phòng và trung tâm, giảm 18 CBVC... Các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc ĐHTN và các trường thành viên trực thuộc đều được kiện toàn lại cho phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Hiện nay, các cơ sở thành viên của ĐHTN vẫn đang tiếp tục rà soát để sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy cơ sở các đơn vị thành viên, tin tưởng rằng mục tiêu mà Đảng bộ ĐHTN đề ra phấn đấu đến năm 2021 tối thiểu giảm 10% đầu mối và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015 sẽ sớm hoàn thành, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào mục tiêu sớm đưa ĐHTN trở thành đại học điện tử giai đoạn 2020-2025.