Kỳ vọng về những khởi sắc trong năm mới

07:38, 07/02/2019

Một mùa xuân mới đã về trên quê hương, đất nước. Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới này, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ lão thành cách mạng. Phấn khởi trước những thành tựu của đất nước, của tỉnh trong năm 2018, đảng viên lão thành càng thêm tin tưởng, kỳ vọng một năm mới với nhiều thành công và thắng lợi mới.

Tròn 91 tuổi đời với 70 tuổi Đảng, cụ Phùng Văn Tằng, ở tổ 8, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và được chứng kiến nhiều thắng lợi to lớn mà đất nước ta dành được trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cụ phấn khởi khi năm 2018, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta, tỉnh ta đã gặt hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Trò chuyện cùng chúng tôi cụ bảo: Qua theo dõi báo chí, tôi rất vui vì người đứng đầu Đảng, Nhà nước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên chiến với cuộc chiến chống tham nhũng. Điều đó được thể hiện rõ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định cụ thể để phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa, cảnh báo, răn đe, hạn chế những tiêu cực. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm cũng bị xử lý, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.

Cụ Phùng Văn Tằng quê ở xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, 17 tuổi tham gia giải phóng quân và nay đã bước vào tuổi 91. Trò chuyện cùng chúng tôi, cụ nhớ như in 7 chiến dịch mà mình trực tiếp tham gia chiến đấu từ trận đánh đồn Hạ Lang đến những trận đánh 60 ngày đêm ở Hà Nội năm 1946; Chiến dịch Lê Hồng Phong 1, Lê Hồng Phong 2 (năm 1950); Chiến dịch Hoàng Hoa Thám trong Đông - Xuân 1950-1951; Chiến dịch Hòa Bình (là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Việt Minh) ở khu vực tại thị xã Hoà Bình - Sông Đà - Đường 6, tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của Pháp, phá phòng tuyến Sông Đà và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ); Chiến dịch Hà Nam Ninh; Chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong suốt chặng đường hành quân, chiến sĩ Phùng Văn Tằng luôn là một tấm gương sáng trong chiến đấu, không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện. Ghi nhận những nỗ lực đó, ngày 8/10/1948 ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Ông nhớ lại: Lễ kết nạp Đảng được tổ chức đơn sơ tại khu rừng đơn vị đóng quân (Phú Bình), mặc dù thời khắc tổ chức diễn ra ngắn ngủi nhưng đó thực sự là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời binh nghiệp của tôi. Cầm tờ quyết định là đảng viên trên tay, tôi nguyện thề trước lá cờ Tổ quốc suốt đời trung thành với Đảng và sống xứng đáng với vinh dự này. Đã 70 năm nhưng vẫn có cảm giác mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn động lực lớn lao cho tôi và các đồng đội lập thêm nhiều chiến công.

Hòa bình lập lại, ông được điều động về Phòng Pháo binh, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu I), rồi chuyển sang Tòa án Quân khu I đến năm 1980 về nghỉ chế độ. Mùa xuân này, ông Tằng vui hơn khi đời sống người dân được nâng lên, tinh thần đoàn kết được củng cố, nhất là có rất nhiều tấm lòng đã nhường cơm sẻ áo để ủng hộ cho người nghèo đón Tết. Ông tin tưởng đất nước, tỉnh Thái Nguyên sẽ có những bước phát triển nhanh hơn nữa trong năm mới 2019.

 Cũng như ông Phùng Văn Tằng, kỷ niệm được kết nạp Đảng ngay tại mái Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sỹ quan Lục Quân I) là khoảnh khắc không thể nào quên của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Chính, ở Chi bộ tổ dân phố số 3, phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên). Sinh ngày 6/4/1928 trong một gia đình trung nông thuộc xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), chàng thanh niên Nguyễn Trọng Chính đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 11-1946 làm cán bộ Ban liên lạc tuyên truyền Bộ Quốc phòng, năm 1947 làm cán bộ Ban Liên lạc Quân khu II. Từ năm 1948 đến năm 1949 làm cán bộ phòng chính trị Trường  Lục quân Trần Quốc Tuấn, Chính trị viên Trung đội vệ binh Nhà trường. Với nhiều thành tích trong công tác, tròn tuổi 20, đúng vào ngày sinh nhật Bác 19/5/1948, chiến sĩ Nguyễn Trọng Chính trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lần giở lại những kỷ niệm cùng đồng đội năm xưa, ký ức về cuộc chiến hào hùng như những thước phim quay chậm, rõ nét trong tâm trí của ông. Năm 1951, sau khi hoàn thành khóa học tại Trung Quốc, ông về công tác ở Phòng Chính trị Mặt trận Bình Trị Thiên. Năm 1952, ông bị giặc bắt trong trận càn Châu Chấu Cá Sấu tại Thừa Thiên Huế và giam tại Nhà tù Côn Đảo.

Mặc dù bị tra tấn, hành hình tại chốn địa ngục trần gian nhưng với quyết tâm của người chiến sĩ cộng sản, trước sau ông đều nhất quán khai chỉ là giáo viên dạy văn hóa (thời điểm bị bắt ông là Ủy viên dự khuyết Phòng Chính trị Sư đoàn 325). Năm 1954, Thực dân Pháp trao trả tù binh, ông cùng một số đồng đội được trở về đơn vị cũ. Năm 1955, ông chuyển ngành lên Tây Bắc trực tiếp trong Ban Chỉ huy công trường cầu đường 24 Tuần Giáo – Điện Biên. Từ năm 1956 đến 1959, ông được cử đi học tại Trường Trung cấp luyện kim Hà Nội; năm 1960 đến 1964 được cử đi học tại Học viện Gang thép Bắc Kinh (Trung Quốc), sau đó được phân công về làm tại xưởng luyện gang, Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Quá trình công tác, ông Chính không ngừng phấn đấu, rèn luyện. Từ năm 1969 đến năm 1980, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Kỹ thuật an toàn và nghỉ hưu năm 1982. Trong suốt quá trình công tác, ông được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Ba, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen khác. Dịp 19/5/2018, đảng viên Nguyễn Trọng Chính vinh dự được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi đảng.

Nói về ông, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 3 Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Trong quá trình công tác, cũng như khi về địa phương, đảng viên Nguyễn Trọng Chính cùng gia đình luôn là tấm gương sáng để các đảng viên trong chi bộ cũng như bà con lối xóm noi theo. Gia đình bác Chính có 6 người con thì 5 anh chị là đảng viên. Các con, cháu đều được nuôi dưỡng học tập tốt và có bước trưởng thành nhất định trong công tác. Với chi bộ tổ dân phố số 3, đảng viên lão thành 70 năm tuổi đảng như cụ Nguyễn Trọng Chính là một hình mẫu sống động của một đảng viên kiên trung trọn đời đi theo Đảng để bà con tổ dân phố, nhất là lớp trẻ học tập.

Những ngày đầu xuân mới trò chuyện cùng chúng tôi ông Nguyễn Trọng Chính vui vẻ bảo: Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tôi theo dõi trên báo, đài và trực tiếp nhìn nhận từ địa phương thấy tất cả các lĩnh vực đều phát triển, đặc biệt năm 2018 đất nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Tôi tin tưởng đây sẽ là bước đà để năm 2019, tỉnh ta sẽ đạt được nhiều thành tích nổi bật hơn nữa. 

Có thể nói, cụ Phùng Văn Tằng, Nguyễn Trọng Chính và tất cả những cán bộ lão thành cách mạng mà chúng tôi tiếp xúc là tấm gương sáng về sự cống hiến tận tụy suốt đời cho Đảng, cho dân cho cán bộ trẻ hiện nay noi theo. Nay tuổi đã cao, nhưng các cán bộ lão thành vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước, của quê hương với kỳ vọng đất nước ngày càng phồn vinh, người dân ai cũng ấm no, hạnh phúc.