Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

15:51, 30/03/2019

Ngày 30-3, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Võ Nhai đã chủ trì Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với sự phát triển bền vững GDNN-GDTX giai đoạn 2020-2025. Hội thảo có sự tham gia của 9 đại diện Trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Trong những năm qua, bên cạnh giáo dục thường xuyên, công tác dạy nghề phổ thông ở các trung tâm GDNN-GDTX cũng đặc biệt được quan tâm. Cụ thể, năm 2019, 9 Trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã tổ chức dạy nghề phổ thông được 143 lớp với 4.510 học sinh khối lớp 8 và 11, 49 lớp sơ cấp với 1.446 học viên, 63 đào tạo nghề thường xuyên với 2.770 học viên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động của đơn vị, như: Trang thiết bị, công cụ phục vụ cho công tác đào tạo nghề còn thiếu hoặc đã hỏng hóc, lạc hậu, không phù hợp; cơ sở vật chất của một số trung tâm chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo (Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương); chỉ tiêu kinh phí đào tạo nghề hằng năm được giao còn thấp so với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhiều trung tâm không đủ giáo viên cơ hữu, phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng bên ngoài nên khó chủ động trong xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề; một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của học nghề...  

Từ thực trạng trên, các đại điểu đã tập trung thảo luận và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GDNN-GDTX, phát triển bền vững các trung tâm GDNN-GDTX giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, như: Từng bước xây dựng các bài giảng điện tử elearning tại các trung tâm học tập cộng đồng; thực hiện chương trình giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh, giáo viên khối mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn, kỹ năng sống theo nhu cầu; thực hiện có hiệu quả Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ; gắn đào tạo nghề nông thôn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); vấn đề hợp đồng liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho học viên sau đào tạo; phát triển mạnh mẽ, đa dạng mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại các trung tâm để giới thiệu và cung ứng sản phẩm ra thị trường...