Không nên hoang mang với bệnh dịch tả lợn châu Phi

22:06, 07/03/2019

L.T.S: Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung tái đàn. Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại huyện Phú Bình đã khiến nhiều hộ dân lo lắng, chưa hiểu nguyên nhân gây bệnh từ đâu, tác hại và cách phòng chống như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông HOÀNG VĂN DŨNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.

P.V: Ông có thể cho biết, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh ta hiện nay diễn biến như thế nào?

Ông Hoàng Văn Dũng: Ngày 6-3, Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với UBND huyện Phú Bình kiểm tra, mổ khám lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đối với đàn lợn của hộ ông Nguyễn Văn Thạo, xóm Giữa, xã Úc Kỳ. Ngày 7-3, theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, mẫu bệnh phẩm thuộc đàn lợn của gia đình ông Thạo dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời.

Tính đến hết ngày 7-3, trên địa bàn toàn tỉnh chưa phát hiện thêm ổ dịch mới, tuy vậy nguy cơ phát sinh, lây lan dịch là rất cao. Công tác phòng, chống dịch đang được Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, các huyện, thành, thị tích cực triển khai.

P.V: Xin ông cho biết rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi?

Ông Hoàng Văn Dũng: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút ASF (African swine fever) gây nên; các loại lợn và mọi lứa tuổi lợn đều mắc bệnh; vi rút gây bệnh có sức đề kháng mạnh với môi trường (ở nhiệt độ bình thường vi rút có thể tồn tại từ 4 đến 5 tuần, ở thịt lợn đông lạnh vi rút tồn tại tới 5 đến 6 năm, ở thịt lợn xông khói vi rút có thể tồn tại lâu dài; bệnh lây lan nhanh, lợn mắc bệnh chết nhanh với tỷ lệ lên tới 100%, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị. Bệnh lây lan chủ yếu do việc vận chuyển, thu gom, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn; phương tiện vận chuyển và hoạt động của con người; bệnh có thể lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khỏe do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp, tiêu hóa, tinh dịch của lợn, da trầy xước hoặc lây từ mẹ sang con; lây lan qua sinh vật trung gian (ve thân mềm…) hoặc có thể do sử dụng thức ăn thừa của người mang mầm bệnh chưa qua xử lý nhiệt…

P.V: Vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được tỉnh triển khai khẩn cấp như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Dũng: Nhận thức đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu, hướng dẫn kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh; ban hành Chỉ thị, Kế hoạch triển khai công tác phòng chống dịch ở cấp tỉnh, huyện; Chi cục Chăn nuôi - Thú y ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống dịch; tổ chức hội nghị BCĐ triển khai; chuẩn bị kinh phí, vật tư, hóa chất khử trùng, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng phối hợp với các huyện, thành thị triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chống dịch như: Thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch, tính chất nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện sốt, ăn kém hoặc bỏ ăn, mệt mỏi, đi lại khó khăn cần báo ngay cho cán bộ thú y biết để phối hợp kiểm tra dịch, không tự ý chữa trị hoặc bán chạy. Cùng với đó, thực hiện giám sát tích cực tới tận cơ sở chăn nuôi, nếu phát hiện lợn mắc bệnh phải tiến hành tiêu hủy kịp thời, triệt để; hướng dẫn bà con chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng bệnh; kiểm soát vận chuyển, giết mổ buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn…

Xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch tả lợn châu Phi ở huyện Phú Bình, địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 52 con lợn mắc bệnh, khoanh vùng bao vây ổ dịch. Các biện pháp phòng, chống dịch ở huyện Phú Bình và các huyện, thành thị đang tích cực được triển khai, nhằm ngăn chăn dịch phát sinh, lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Trong công tác phòng, chống dịch phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng cần tập trung vào việc giám sát phát hiện dịch sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch phát sinh.

P.V: Theo ông, dấu hiệu nhận biết lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi và cách phòng chống như thế nào?

Ông Hoàng Văn Dũng: Bệnh dịch tả lợn châu Phi có 4 thể (cấp tính, quá cấp tính, mạn tính và thể ẩn bệnh). Thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày rồi phát bệnh với các biểu hiện như: Lợn sốt cao 41-42 độ C, mệt mỏi, ủ rũ, đi lại khó khăn, thích nằm chỗ tối; xuất hiện rỉ mắt, chảy nước mũi, nước mũi có máu, thở nhanh, khó thở, da đỏ hoặc tím do xuất huyết, xuất huyết ở tai, vành tai, đuôi, chân đùi, bụng; trước khi chết lợn nằm run rẩy, co giật. Mổ khám cho thấy: Lợn có phổi viêm, xuất huyết tím bầm, phổi không xẹp (căng phồng); lách viêm xuất huyết, sưng to; thận viêm sưng to, xuất huyết chứa nhiều máu; ruột xuất huyết, có trường hợp lợn nôn ra máu; lợn nái mắc bệnh gây chết thai, sảy thai, lợn con sinh ra chết yểu…

Về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ngăn ngừa không để mầm bệnh tiếp xúc, xâm nhập vào trại, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu độc, chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng với bệnh, sử dụng con giống sạch bệnh…); quản lý dịch bệnh ngay tại cơ sở chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các bệnh của lợn; thường xuyên giám sát dịch bệnh, thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch; chấp hành quy định, hướng dẫn của cơ quan thú y…

P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng trong thời điểm này?

Ông Hoàng Văn Dũng: Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần cân nhắc kỹ việc tái đàn về thời điểm, quy mô đàn, khả năng đáp ứng điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn dịch, các giải pháp phòng dịch bệnh chủ động; lựa chọn đàn giống sạch bệnh. Đối với những vùng đang có dịch, vùng bị dịch uy hiếp tốt nhất tạm thời dừng hoạt động tái đàn.

Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể gây chết 100% đàn lợn nếu mắc bệnh, nhưng bệnh không lây sang người. Vì thế, người tiêu dùng không nên quay lưng lại với thịt lợn. Trong công tác chống dịch đòi hỏi phải quyết liệt, triệt để nhưng yêu cầu phải đảm bảo ổn định bảo vệ và phát triển chăn nuôi lợn, loại vật nuôi quan trọng chiếm trên 70% tổng sản lượng thịt hơi của ngành chăn nuôi.

P.V: Xin cảm ơn ông!