Lãng phí nhiều tỷ đồng từ nguồn ngân sách

09:24, 29/03/2019

Theo số liệu rà soát sơ bộ của UBND 8/9  huyện, thành, thị, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 242 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó, có 63 công trình hoạt động kém hiệu quả và 59 công trình ngừng hoạt động.  190 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động cũng chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu nên nguy cơ xuống cấp, ngừng hoạt động rất cao…

Thành quả rõ ràng

Thái Nguyên là địa phương được Chính phủ đánh giá rất cao trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Kết quả cụ thể là tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sạch đảm bảo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế đến hết năm 2018 đạt 67% (tương đương với 548.488 người) và phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sạch đảm bảo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt 70% (tương đương 573.048 người).

Để đạt mục tiêu, đến hết năm 2020, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh thực hiện xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 07 công trình xây dựng mới và 17 công trình nâng cấp, cải tạo sửa chữa, đảm bảo cấp nước cho khoảng 12.500 hộ (tương đương với 46.250 người). Như vậy, mục tiêu đến hết năm 2020, có trên 70% người dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế là khả thi.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trong tỉnh đã khai thác, sử dụng trên 20 năm nên cần đầu tư nâng cấp; nhiều công trình cấp nước quy mô nhỏ sau đầu tư đã giao lại cho UBND cấp xã quản lý nhưng xuống cấp nghiêm trọng, ngừng hoạt động do không có nguồn kinh phí…

Không thu phí không có công trình tốt

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 23 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh quản lý, 1 công trình do hợp tác xã Mỹ Yên (Đại Từ) quản lý, 1 công trình do UBND huyện Định Hóa quản lý là được thu phí theo mức giá đã được UBND tỉnh phê duyệt. Còn lại 217 công trình do UBND xã và cộng đồng quản lý (có 6 công trình thu phí theo khung quy định của Bộ Tài chính với mức từ 2.000 đồng đến 12.000 đồng/m3 nước) nên cơ bản hoạt động bền vững. 21 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có thu phí nước sinh hoạt nhưng thu rất thấp (từ 500 đồng đến 1.500 đồng /m3 nước) nên không có nguồn kinh phí sửa chữa nhỏ, trả công cho những người vận hành nên hoạt động thiếu ổn định. 190 công trình không thu phí thì nguy cơ hỏng hóc, xuống cấp là khó tránh khỏi. Để nâng cấp, tái hoạt động số công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động, theo dự toán của Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh cần nguồn kinh phí khoảng 30 tỷ đồng nhưng tổng hợp của UBND 9 huyện, thành, thị thì số tiền để bảo dưỡng, sửa chữa tái hoạt động các công trình cấp nước nông thôn còn cao gấp nhiều lần (riêng huyện Võ Nhai đề nghị hỗ trợ 40 tỷ đồng).

Ngay đối với các công trình cấp nước nông thôn thu phí từ 2.000 đồng đến 7.900 đồng/m3 nước  cũng chưa đủ để chi phí sửa chữa, tái đầu tư, trả công cho những người quản lý. Tính đúng, tính đủ, giá nước sinh hoạt nông thôn phải ở mức 15.000 đồng/m3 nước. Nhưng đây là vấn đề rất khó thực hiện vì thu nhập của người dân khu vực nông thôn thấp, không đủ điều kiện chi phí. Do vậy, ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách để sửa chữa, UBND tỉnh nên sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hoàn thành đề án xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch nông thôn để thu hút doanh nghiệp và tư nhân tham gia vào đầu tư, quản lý các công trình nước sạch nông thôn tạo nhằm từng bước tạo thị trường nước sạch nông thôn bền vững.

Rà soát chặt chẽ trước khi đầu tư

Trong những năm qua, huyện Võ Nhai được đầu tư tổng số 54 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn từ 2 Chương trình: 134 và 135 của Chính phủ. Được hưởng lợi nhiều nhất nhưng đây cũng là địa phương chưa quản lý, khai thác hiệu quả nên số công trình hỏng, ngừng hoạt động cũng lớn nhất tỉnh. Do vậy, huyện Võ Nhai đề nghị với tỉnh và Trung ương xem xét hỗ trợ 40 tỷ đồng để sửa chữa và tái hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt đã ngừng hoạt động. 7 địa phương còn lại (T.P Thái Nguyên không trực tiếp quản lý cấp trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn) qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đều phát hiện có công trình cấp nước xuống cấp không phát huy hết công suất mà nguyên nhân chủ quan là quản lý yếu kém.

Ông La Hồng Chung, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh cho biết: Các công trình cấp nước nông thôn xuống cấp do rất nhiều lý do như thiên tai, biến đổi khí hậu, không giữ được rừng đầu nguồn dẫn tới mất nguồn nước nhưng nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý sau đầu tư yếu, không thu phí sử dụng nước để đảm bảo duy tu bảo dưỡng công trình. Còn ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ khẳng định: Qua rà soát 25 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đầu tư trên địa bàn huyện qua nhiều giai đoạn, chúng tôi thấy có một số công trình vị trí xây dựng chưa phù hợp với nhu cầu thực của người dân. Nhất là tại những vùng nguồn nước ngầm phong phú, đảm bảo vệ sinh thì công trình cấp nước không phát huy hiệu quả vì người dân không muốn mất chi phí, vẫn sử dụng nước giếng khơi.

Từ thực trạng trên, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương khi quyết định đầu tư công trình cấp nước nông thôn cần rà soát thật kỹ độ bức thiết về nhu cầu nguồn nước; lấy ý kiến của người dân sở tại về việc sử dụng nước có thu tiền… Từ đó, sẽ tránh được việc nơi cần nước thì không có công trình và ngược lại; hoặc sử dụng nước nhưng người dân không muốn đóng phí để chi trả cho người quản lý, sửa chữa nhỏ nên dẫn tới công trình nhanh chóng xuống cấp, ngừng hoạt động, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.