Nhiều rào cản đối với dịch vụ công trực tuyến

10:21, 19/03/2019

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến được coi là một trong những giải pháp đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử. Điều này giúp cho nhân dân và doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời hạn chế tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện vấn đề này nhưng từ thực tế cho thấy kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.  

Thực hiện Đề án đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đến thời điểm này, các ngành, địa phương trong tỉnh đã cung cấp 263 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Nhân dân, DN và các tổ chức có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối mạng Internet. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền thông tin và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tuyến; việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nhưng cho phép người sử dụng thanh toán trực tuyến; việc trả kết quả cũng theo hình thức trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Tiện ích là vậy nhưng đến nay, tỷ lệ người dân và DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Theo thống kê năm 2018, trong số 263 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thì chỉ có 152 dịch vụ có phát sinh hồ sơ. Số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến là 3.500 hồ sơ/33.680 hồ sơ (bao gồm cả trực tiếp, trực tuyến và bưu chính công ích), đạt tỷ lệ 10,39% dịch vụ có phát sinh hồ sơ; số hồ sơ tiếp nhận và xử lý qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 900/1.826 hồ sơ (cả trực tuyến và trực tiếp), đạt tỷ lệ 49,3% dịch vụ phát sinh hồ sơ.

Lý do nào dẫn đến tình trạng trên? Câu trả lời một phần là do người dân và nhiều DN chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, còn tâm lý e ngại, lo lắng việc thất lạc hồ sơ. Trình độ tiếp cận CNTT ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế. Ông Hứa Văn Tiến, ở xóm Tổng Củm, xã Quy Kỳ (Định Hóa) làm thủ tục tách thửa đất cho con nhưng phải mất vài lần đến bộ phận “một cửa” của huyện mới hoàn tất. Nguyên nhân là ông không nắm được quy trình thủ tục làm hồ sơ như thế nào và tra cứu ở đâu. Ông Tiến bảo: Tôi hoàn toàn không biết có dịch vụ công trực tuyến. Mà nếu có thông tin thì cũng không biết sử dụng máy tính đăng ký bằng cách nào. Bà Mai Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Định Hóa cũng thừa nhận thực tế: Dù đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 ở một số lĩnh vực nhưng trên địa bàn hầu như chưa phát sinh hồ sơ. Trình độ về CNTT còn hạn chế là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, ngay cả DN hoặc cá nhân đã biết thì cũng có tâm lý muốn trực tiếp đến cơ quan hành chính để làm thủ tục cho yên tâm. Điều này không chỉ tốn thời gian, công sức của người đến giao dịch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian của cán bộ làm công tác tiếp nhận và trả kết quả.

Một lý do nữa cần nói đến là hạ tầng CNTT chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định. Khảo sát tại một số huyện như: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ… chúng tôi nhận thấy còn nhiều xã chưa bố trí được nhà làm việc riêng của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hệ thống máy tính đã cũ, chỉ đáp ứng việc nhập văn bản và thực hiện một số kỹ thuật đơn giản. Ở khu vực thành phố, thị xã, điều kiện trang thiết bị có tốt hơn nhưng không phải đã hết vướng mắc. Anh Vũ Ngọc Quân, cán bộ tư pháp xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) cho biết: “Dù bộ phận chuyên môn cấp xã đã được cung cấp các phần mềm chuyên dụng khi làm việc nhưng khó là một số không hoàn toàn đồng bộ với nhau; chưa kết nối với phần mềm hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh”. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi thì dữ liệu thông tin liên quan đến thủ tục được cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên website của một số sở, ngành, địa phương, đơn vị còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu, khó sử dụng. Điều này là rào cản đối với người dân và DN khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Dịch vụ công trực tuyến là xu hướng tất yếu và mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên để mọi việc trôi chảy thì cần phải có thời gian, lộ trình và sự quan tâm hơn nữa. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu cần được đẩy mạnh để người dân và DN biết, tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến. Ông Lê Hữu Nhân, Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Một giải pháp quan trọng là đẩy mạnh xã hội hóa ứng dụng CNTT trong cộng đồng, từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý trên phần mềm để người dân, DN dễ dàng giao dịch trực tuyến tại nhà. Về lâu dài, các cấp, ngành cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành như: đất đai, quy hoạch, nhà ở... để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.