Đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão

09:18, 11/04/2019

Để sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã triển khai phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại các hồ chứa được giao quản lý. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ quản lý và khai thác hồ chứa, thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời.  

Anh Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Công ty hiện được giao quản lý, vận hành, bảo vệ và khai thác 82 công trình thủy lợi, trong đó có 40 hồ chứa, 37 đập dâng và 5 trạm bơm. Hầu hết các công trình do đơn vị quản lý được xây dựng và đưa vào vận hành khai thác từ 20-40 năm nên đã bị xuống cấp. Ngoài ra, một số công trình có mái thượng, hạ lưu đập chính đều là mái đất hoặc có mái thượng lưu được lát đá khan và cống lấy nước dưới đập được xây dựng theo kiểu bậc thang nên thường bị rò rỉ gây mất nước. Bên cạnh đó, một số công trình chưa có đường quản lý, đường ứng cứu khi có mưa lũ, đường vào công trình đầu mối thường là đường đất mòn cũng là những khó khăn trong công tác quản lý.

Trước mùa mưa bão năm nay, công ty đã  kiểm tra hiện trạng, kết quả kiểm tra cho thấy, một số công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể, tại hồ Khuôn Nanh, xã Yên Lãng và hồ Đầm Chiễu, xã Phú Thịnh (Đại Từ), mái thượng lưu là mái đất đã bị xói lở, trượt sạt; mái hạ lưu có nhiều vùng thấm; tràn xả lũ cũng đã bị xuống cấp, không đảm bảo thoát lũ khi có lũ lớn xảy ra. Tại các hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh, Nà Tấc, xã Lam Vỹ và hồ Bó Vàng, xã Thanh Định (Định Hóa) đều xuất hiện một số điểm, vùng thấm tùy theo cao trình. Còn tại hồ Nà Mạt, xã Ôn Lương (Phú Lương), đập đất, mái hạ lưu dưới cơ số 2 còn nhiều rãnh xói nhỏ, chân mái còn nhiều điểm sũng nước, khối sạt chân đồi phía Hữu đã phát triển đến giáp chân mái hạ lưu đập. Tràn xả lũ: Taluy dương phía tả có nguy cơ sạt lở nhiều xuống đường tràn làm giảm khả năng tiêu thoát lũ.

Để đảm bảo an toàn các công trình cũng như đáp  ứng yêu cầu dẫn nước phục sản xuất, hằng năm, căn cứ vào kết quả kiểm tra hiện trạng, công ty lập kế hoạch và danh mục công trình cần duy tu, sửa chữa sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, tiến hành gia cố khắc phục, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu, hư hỏng, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ngoài ra, công ty cũng yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các hồ chứa ở các địa phương cần xây dựng phương án phòng chống lụt bão, triển khai tập dượt và tổ chức thường trực quản lý bảo vệ 24/24 giờ trong suốt mùa mưa lũ. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng vật tư phòng chống lụt bão và đề xuất phương án bổ sung, thay thế để đảm bảo sẵn sàng xử lý ban đầu các sự cố xảy ra. Công ty cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Để giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, ngoài sự vào cuộc tích cực của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, các địa phương trong tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Đến thời điểm này, các hồ đập trên địa bàn tỉnh do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý đều cơ bản đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Riêng đối với công trình thủy lợi đầu mối hồ Núi Cốc, công ty đã hoàn thành việc khắc phục sự cố thấm thân đập chính và đang vận hành theo đúng quy trình Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt.