Trong 2 ngày ( 24 và 25-4), dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Phiên họp giải trình đối với lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh. Đây là phiên giải trình đầu tiên năm 2019 của Thường trực HĐND tỉnh.
Dự Phiên họp có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Có 4 nội dung được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn yêu cầu giải trình tại Phiên họp, gồm: Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh; việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung thuộc chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Phiên họp tập trung vào 2 nôi dung. Thứ nhất: Đối với Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh, trước đây, HTX dịch vụ điện đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cung ứng điện đến các hộ dân ở nông thôn. Hiện, toàn tỉnh có 20 HTX kinh doanh trong lĩnh vực điện. Trong số này, bên cạnh một số HTX hoạt động hiệu quả, nhất là sau khi được đầu tư mạng lưới theo Dự án Năng lượng nông thôn II vay vốn của Ngân hàng thế giới WB (gọi tắt là Dự án REII), HTX đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các trạm biến án mới, xây dựng cải tạo đường dây, công tơ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điện, thực hiện đúng quy định về trả nợ vốn và lãi vay thì vẫn còn một số HTX hoạt động kém hiệu quả, chậm trả nợ và nợ quá hạn. Tính đến giữa tháng 2-2019, số tiền các HTX này nợ chậm trả lên tới 7,68 tỷ đồng, trong đó có HTX đã nợ sang năm thứ 6 liên tiếp.
Liên quan đến vấn đề này, các ý kiến đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Công Thương giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở trong việc để một số HTX dịch vụ điện hoạt động kém hiệu quả kéo dài, khiến chất lượng điện thấp, khả năng trả nợ vốn vay REII khó khăn; giải pháp của ngành Điện đối với các HTX hoạt động yếu kém.
Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương: Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 HTX dịch vụ điện, trong đó có 19 HTX tham gia Dự án REII. Các HTX này được thành lập trên cơ sở Đề án Mô hình tổ chức và quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trước các ý kiến, kiến nghị của cử tri về nhiều HTX dịch vụ điện hoạt động kém hiệu quả kéo dài, chất lượng điện năng không đảm bảo, tháng 5-2018, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý và chất lượng điện của các HTX này. Kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng điện của một số HTX chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyên nhân chủ yếu là do: Một số trạm biến áp đầy tải, khoảng cách cấp điện từ trạm biến áp đến hộ dân còn xa, có nơi trên 3km gây sụt áp trên đường dây. Ngoài ra, năng lực quản lý của một số HTX cũng còn hạn chế. Do đó, Sở đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức 5 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX dịch vụ điện, dự kiến tổ chức vào quý III-2019.
Còn theo ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên: Từ năm 2016 đến nay, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã đầu tư trên 200 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, rà soát 27 trạm biến áp đang thực hiện bán buôn cho các HTX; phối hợp với một số HTX thực hiện các biện pháp chống quá tải. Về giải pháp của ngành Điện đối với các HTX dịch vụ điện hoạt động yếu kém mà buộc phải rút giấy phép hoạt động, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẵn sàng phối hợp để thực hiện bàn giao, tiếp nhận theo các quy định hiện hành với phần tài sản do HTX tự đầu tư. Riêng với phần tài sản lưới điện thuộc Dự án REII, thì các HTX xin chủ trương của UBND tỉnh bởi theo quy định thì ngành điện chỉ được tiếp nhận đối với các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước…
Kết luận nội dung này, đồng chí Bùi Xuân Hòa yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn nghiêm túc kiểm điểm lại trách nhiệm trong việc để các HTX dịch vụ điện nợ quá hạn nhiều năm, chây ỳ trong trả nợ. Đồng thời tiếp thu các ý kiến phản ánh, trao đổi, đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh để sớm có giải pháp tháo gỡ cụ thể, dứt điểm. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh sớm có đề xuất lên Chính phủ và ngành Điện để bàn giao các HTX dịch vụ điện về ngành Điện quản lý; đề nghị ngành Điện tập trung chống quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ điện cung cấp cho nhân dân.
Thứ 2: Về việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung thuộc chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011-2018, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng 10 khu tái định cư (KTĐC), trong đó đã phê duyệt và thực hiện đầu tư 7 dự án KTĐC, trong đó có 6 dự án được đưa vào sử dụng, 1 dự án đang dang dở, với mục tiêu của quyết định phê duyệt các dự án là di chuyển 299 hộ, với tổng vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng. Còn 3 dự án chưa triển khai thực hiện. Thực tế khảo sát, giám sát cho thấy, tại các KTĐC, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do diện tích đất ở được cấp ít, không có đất sản xuất, chăn nuôi; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu hệ thống vệ sinh, thiết chế văn hóa, hệ thống xử lý nước thải, nghĩa trang; một số công trình ngay từ khi đầu tư không sử dụng được, gây lãng phí ngân sách nhà nước nên tỷ lệ hộ di chuyển đến nơi ở chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế dự án chưa sát thực tiễn nên trong quá trình triển khai có khu đã xảy ra sụt lún, sạt lở không đảm bảo an toàn cho người dân.
Đối với nội dung này, các ý kiến tập trung đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng làm rõ trách nhiệm, phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thừa nhận những hạn chế nêu trên, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án tái định cư trên địa bàn chưa đạt được mục tiêu đề ra, tỷ lệ người dân đến ở tại các khu tái định cư còn thấp. Về nguyên nhân khách quan là do nhiều quy định hướng dẫn theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 chưa thực sự chi tiết, cụ thể, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, việc bố trí đất sản xuất cho người dân ở những nơi ở mới còn nhiều khó khăn. Về nguyên nhân chủ quan, sự phối hợp trong xây dựng dự án của các cấp với chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, các dự án chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng mà chưa quan tâm đến bố trí quỹ đất sản xuất cho người dân.
Để xảy ra những hạn chế của dự án, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Nông nghiệp trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án, cũng tham mưu cho UBND tỉnh có các giải pháp chỉ đạo kịp thời. Một phần là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa chủ động phối hợp với chủ đầu tư, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng với các ngành, chính quyền địa phương đánh giá lại những tồn tại hạn chế của các dự án để đề xuất biện pháp giải quyết, như về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân đã đến ở ổn định tại KTĐC; đấu nối, cấp nước ổn định cho người dân; có giải pháp xử lý đối với khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí đất sản xuất cho người dân tại khu vực tái định cư để đảm bảo cuộc sống…
Đồng chí Vũ Hồng Bắc khẳng định, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có đánh giá tổng thể, toàn diện, khách quan, nghiêm túc hiệu quả đầu tư của các dự án KTĐC này. Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có báo cáo cụ thể về nội dung này, đồng thời tham mưu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Việc bố trí tái định cư trong thời gian tới cần thiết phải chú ý hơn đến các yếu tố bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đảm bảo an toàn, hướng tới ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, trong quá trình đánh giá, nếu phát hiện sai phạm, vi phạm, đặc biệt là về tài chính ngân sách, UBND tỉnh sẽ cương quyết xử lý theo quy định.
Kết luận nội dung trên, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các dự án tái định cư thời gian tới, tránh lặp lại những tồn tại, hạn chế của các dự án trước đó. Các cơ quan được giao trách nhiệm triển khai các dự án tái định cư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lấy ý kiến của người dân trước khi triển khai dự án; cần thiết phải có phương án sản xuất cho người dân khi chuyển tới KTĐC. Đồng chí cũng đề nghị, UBND tỉnh sớm kiểm tra, đôn đốc đối với từng dự án, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời để người dân sớm ổn định cuộc sống.