Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng làm việc với tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương

19:13, 06/05/2019

Chiều ngày 6-5, tại Tỉnh ủy Thái Nguyên, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thường trực Tiểu ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Bắc Kạn để nghe đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020 làm căn cứ xây dựng văn kiện chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành Trung ương, thành viên Tổ Biên tập Tiểu ban. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND và một số sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo với Đoàn công tác về kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và 2016 - 2020; định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Theo đó, đối với tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011 - 2018, mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thái Nguyên đã phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,9%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người cao gấp 3,7 lần so với năm 2010 (tăng từ 21 triệu đồng/người/năm 2010 lên 77,7 triệu đồng/người/năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm trên 2%/năm. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế phát triển. Tuy nhiên, chất lượng hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; một số ngành, lĩnh vực tuy có mức tăng trưởng cao nhưng chủ yếu là ngành nghề thâm dụng lao động; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển.

Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030, Thái Nguyên đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc với nền kinh tế hiện đại, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành nghề định hướng phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ khoảng 10% đến 10,5%...

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất về định hướng phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội kết nối với tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc, tạo động lực phát triển cho giai đoạn tới. Định hướng đầu tư khu công nghiệp công nghệ thông tin để tận dụng cơ hội phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử gắn với Dự án Samsung; hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh triển khai xây dựng Khu du lịch hồ Núi Cốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia…

Các tỉnh trong vùng đề nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi; phát triển hạ tầng giao thông để kết nối các tỉnh trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Bình Bình Minh khẳng định: Nội dung các báo cáo đã bám sát yêu cầu của đoàn công tác. Đồng chí vui mừng trước kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, đặc biệt là tỉnh Thái Nguyên đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho sự phát triển và đạt những kết quả khá tích cực. Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, qua nghe báo cáo và thực tế thì các tỉnh trong vùng kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa nhiều, cần tiếp tục đánh giá lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010” để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát huy nội lực, kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng. Mặt khác, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các khâu đột phá chiến lược để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Đồng chí ghi nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị của các tỉnh, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội sẽ tổng hợp để phục vụ cho việc xây dựng văn kiện chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.